Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Tưới cây bằng xe bồn trên cao tốc chỉ có ở Việt Nam


Lỗ hổng quản lý


Vụ tai nạn trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương khiến dư luận thắc mắc xe bồn tưới nước trên cao tốc liệu có đúng quy tắc giao thông. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


- Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn thương tâm này. Ban đầu, công an cho rằng lỗi của tài xế xe khách, nghe điện thoại khi đang cầm vô lăng nên không xử lý tình huống kịp thời. Vấn đề lỗi tài xế ta không nên bàn nữa, điều tôi quan tâm là liệu có lỗ hổng về mặt quản lý cao tốc hay không?


Tưới cây bằng xe bồn trên cao tốc chỉ có ở Việt Nam - Ảnh 1


TS Phạm Sanh.


Tôi thấy, Việt Nam đầu tư đường cao tốc nhiều, nếu không nhìn thấy lỗ hổng quản lý thì còn chết nhiều người nữa chứ không riêng gì 7 nạn nhân trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương.


Vấn đề quản lý chính là ở khâu khai thác và bảo trì. Về mặt nguyên tắc, trên cao tốc không cho phép xe có tốc độ thấp chạy, trên thế giới cũng vậy. Vì nếu cho xe tốc độ chậm chạy thì sẽ cản trở những xe có tốc độ cao và gây ra tai nạn là điều đương nhiên.


Vì thế, người lái xe mua phí đường cao tốc là người ta muốn chạy thật nhanh. Bản thân cao tốc là không cho những xe đứng yên hoặc chạy chậm, nếu trong trường hợp bất khả kháng, người ta sẽ làm rào chắn báo hiệu và di dời ngay sau đó.


Còn về khâu bảo trì, cơ quan quản lý đường phải bảo trì theo kế hoạch và có cấm đường, chứ không phải như xe bồn, ngày nào cũng chạy tà tà, vừa chạy vừa tưới cây gây cản trở giao thông.


Nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại điều ông nói. Xe bồn chạy chậm vẫn ngày ngày tưới cây trên cao tốc. Vậy phải chăng, quy định về giao thông đường bộ chưa rõ ràng?


- Luật Giao thông đường bộ hiện chỉ có điều 26 nói về tham gia giao thông trên cao tốc và cũng không rõ ràng khi quy định: “… xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào cao tốc; trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường”.


Riêng đối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ngày 21/1/2010, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 195/QĐ-BGTVT trong đó có quy định: “Người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc trong giai đoạn khai thác tạm thời có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông”.


Tưới cây bằng xe bồn trên cao tốc chỉ có ở Việt Nam - Ảnh 2


Tai nạn xảy ra giữa xe khách và xe bồn tưới nước trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương khiến 7 người thiệt mạng.


Rõ ràng, cả luật và các quy định của Nhà nước đều chỉ đưa ra các khái niệm chung chung, sơ sài chứ không giải thích rõ nhiệm vụ nội dung quản lý, bảo trì cao tốc là gồm những công việc gì, thế nào là không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông nên mới xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương vừa qua.


Vụ tai nạn này có lỗi của nhà quản lý, lỗ hổng quản lý. Đúng ra, Bộ GTVT khi đưa vào khai thác cao tốc TP.HCM - Trung Lương phải có những quy định như khi bảo trì là bảo trì cái gì, bằng loại xe gì và khi nào xe bảo trì được vô cao tốc chứ không nên nói chung chung.


Nếu không rút ra bài học để sửa chữa, Bộ GTVT không ra quy định nhanh chóng thì còn xảy ra tai nạn chết người nữa. Không phải chỉ xe bồn mà còn có nhiều loại xe làm nhiệm vụ khác chạy với tốc độ châm trên cao tốc.


Cao tốc trên thế giới, họ sẽ xử lý thế nào khi có trồng cây trên dải phân cách?


- Các nước trên thế giới sử dụng hệ thống tưới nước tự động. Không có quốc gia nào tưới cây trên cao tốc bằng xe bồn như ở ta. Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới xảy ra chuyện khó tưởng tượng này.


Nếu muốn bảo trì việc gì đó họ đều có biện pháp bảo đảm an toàn cho người đi đường. Ví dụ, nếu có tuyết rơi thì họ báo động và chặn đường vào cao tốc. Còn nếu có xe làm nhiệm vụ thì họ ngăn đường rất cẩn thận.


Ngay cả trên xa lộ, các nước cũng không có xe bồn tưới nước, hoàn toàn dùng hệ thống tự động. Vì tưới bằng xe bồn rất tốn nước và cản trở giao thông.


Không thể có chuyện một chiếc xe chạy 100km/h lại lưu thông cùng một xe 20km/h trên cao tốc.


Cần bổ sung quy định về bảo trì


Để không còn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?


- Điều kiện hạ tầng không bảo đảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông. Vậy nên, việc hoàn chỉnh và bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cao tốc rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả và tính an toàn thông suốt của công trình.


Hiện nay, chúng ta mới có tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế cao tốc nhưng các quy định về quản lý, khai thác, bảo trì liên quan đến an toàn giao thông thì thiếu rất nhiều. Từ đó dẫn đến những tai nạn thương tâm như ở cao tốc TP.HCM - Trung Lương và xa hơn là vụ tai nạn hồi tháng 6/2011 làm chết 8 người, cũng trên cao tốc này.


Để lấp lỗ hổng quản lý, trước hết Bộ GTVT cần bổ sung các quy định về bảo trì, quản lý, khai thác và bảo đảm an toàn giao thông cao tốc cũng như các quy định chi tiết về điều kiện tham gia giao thông.


Với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ cần bỏ ngay việc dùng xe bồn tưới cây và kiểm tra lại đơn vị quản lý, khai thác đã có quy trình bảo trì công trình được duyệt theo đúng tinh thần Nghị định 114/2010 của Thủ tướng Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng hay chưa. Bên cạnh đó, phải có đánh giá về tốc độ tối đa - tối thiểu, khoảng cách 70 m giữa 2 xe chạy trên cao tốc đã đảm bảo an toàn chưa.


Theo Zingnews


Xin mời xem thêm video clip: Cầu Trường Tiền 'cháy ngùn ngụt' trong đêm





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://ift.tt/1ln5JgK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét