Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

‘Không phải ai xin tiền đổ xăng cũng là kẻ lừa đảo’


Sau bài viết “Độc giả lật mặt cao thủ lừa đảo đường phố ở Sài Gòn” của bạn đọc Fimble, rất nhiều bạn đọc đã gửi câu chuyện họ từng trải qua, trong đó, họ là nhân vật bị lừa. Tuy nhiên, không phải ai xin tiền ngoài đường phố cũng là kẻ lừa đảo, một số ít người đã gặp hoàn cảnh khó khăn thực sự.


Độc giả Hoàng Anh Tín kể, anh có hẹn đi ăn khuya với 2 người bạn, lúc đi anh không mang theo tiền và điện thoại vì cả bọn cá với nhau ai đến quán sau sẽ là người trả tiền. Hai người bạn của anh lái xe quá nhanh nên anh theo sau không kịp, khi anh đi đến đường Hoàng Văn Thụ - ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, TP.HCM xe hết xăng. Anh nhìn đồng hồ đã là 23h, ngoài đường bắt đầu vắng người và anh thật sự bối rối không biết làm sao để về được nhà.









Anh đành ngồi chờ bạn quay lại, nhưng đợi hơn 15 phút vẫn không thấy ai. Vì vậy, anh đánh liều mở miệng hỏi cô gái tình cờ đi ngang qua, xin cô ấy cho tôi mượn điện thoại. Cô gái quan sát anh từ đầu đến chân rồi mới đưa điện thoại là chiếc iPhone 4, còn cô ngồi ngay quán trà chanh vỉa hè cách chỗ anh đứng 5 m. Cô ấy nói anh cứ gọi, lát trả lại điện thoại. Anh chỉ thuộc số điện thoại bàn ở nhà nên gọi về, nhưng không ai nghe máy. Anh đành trả lại điện thoại và nói cảm ơn.


Cô gái thấy anh không liên lạc được với ai nên hỏi nhà anh ở đâu. Cô biết từ chỗ anh hết xăng trở về nhà khá xa nên móc túi đưa cho anh 50.000 đồng. Lúc đó anh rất ngại, nhưng anh nghĩ sẽ đổ xăng rồi chạy về nhà cầm tiền ra trả lại cô ấy. Khi anh đi được 30 m gần chỗ đổ xăng lẻ dọc đường gặp 2 đứa bạn quay lại, anh mừng rỡ, vay tiền bạn để trả cô gái tốt bụng và không quên cảm ơn cô ấy.


"Tôi thực sự rất cảm động vì đã gặp được người không chỉ tốt bụng mà còn xinh xắn như cô gái đó. Tôi chỉ tiếc là quên xin số điện thoại, còn số của cô ấy khi tôi gọi về nhà lại gọi vào số bàn. Bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi về cô ấy khi chạy qua con đường bị hết xăng”, anh nói.


Độc giả Nkok cũng kể câu chuyện có thật xảy ra với gia đình cô. Cô nói: “Ba tôi chạy xe ôm đứng ở bến xe. Một lần, có anh sinh viên lủi thủi đến xin chở về quê giùm vì đi xe bị móc hết tiền, về đến nhà anh sẽ nói ba mẹ trả tiền xe. Ban đầu, ba tôi muốn chở khách nhưng nhà anh chàng này khá xa, ở tỉnh lân cận, cách hơn 100 km. Vì vậy, ba suy nghĩ lại và nói không đi được. Anh sinh viên đi hỏi các chú xe ôm bên cạnh nhưng không ai đồng ý”.


Anh chàng ngậm ngùi đi bộ giữa trời nắng chói chang nên ba chạy xe theo và hỏi chuyện. Sau đó, ba đưa anh về nhà cho ăn cơm, tắm rửa và nói: “Nếu con không có tiền, con đi học rồi về đây ở chung với gia đình chú”. Anh sinh viên quá vui mừng, chỉ biết nói cảm ơn.


“Vì nhà tôi cách trường anh học gần 2 km nên anh ở đây sáng đi học, thời gian rảnh anh đi làm thêm. Sau khi học xong đại học anh đã đi làm và có vợ. Bây giờ mỗi năm vào dịp Tết đến, anh và vợ đều ghé thăm gia đình tôi và ôn lại kỷ niệm xưa. Cuộc sống không lường trước được việc gì nên cứ giúp đỡ những người khó khăn để thấy lòng mình thanh thản”, Nkok cho biết.









Trước tình trạng có quá nhiều kẻ lừa đảo đội lốt người gặp hoàn cảnh khó khăn thực sự, độc giả Công Minh Hôm bức xúc: “Vì tiền, những kẻ lừa đảo vô tình đưa người khốn khổ thật sự rơi vào tình trạng khó khăn hơn nữa. Bởi công việc xin ăn, một công việc bị xem quá đỗi thấp kèm trong xã hội, nhận thêm sự nghi ngờ của nhiều người tốt muốn làm việc tốt. Những người đang gặp khó khăn thật sự phải sống bằng cách nào khi họ không có khả năng lao động?”.


“Xã hội vẫn còn nhiều người thật sự khổ và gặp nạn giữa đường. Tôi cũng một lần đi mua đồ ăn sáng quên không mang chìa khóa nhà và điện thoại, thấy hai bạn trẻ cách nhà không xa, tôi hỏi mượn điện thoại nhưng họ không cho. Lúc đó, tôi thật sự bất bình và thấy con người sao thật vô tình, vô tâm. Tôi chỉ mong mọi người nghĩ lại, không phải ai cũng là người lừa đảo”, độc giả Gà Rừng bộc bạch.


Một độc giả khác chia sẻ, nếu bạn làm được một điều tốt, chính bạn đang tận hưởng một niềm vui cho chính mình. Điều này giống như người mua vé số chỉ là mua niềm hy vọng dù biết chắc là chưa hẳn sẽ trúng giải.


Đắc Kỹ cũng trăn trở: “Có người hết xăng thật, có người hết tiền về quê thật cần giúp đỡ thì sao? Nếu người ta chỉ cần 10.000 - 20.000 đồng mà mình có khả năng lại không giúp sẽ vô cùng áy náy, sẽ thấy mình vô lương tâm. Xã hội bây giờ đúng là có quá nhiều người lừa gạt, làm ai cũng mất lòng tin, nhưng nếu chính mình gặp nạn tương tự như vậy, ai sẽ tin và giúp đỡ mình”.


Theo Zing





Tin tức xã hội online

via Tin tức Online - Xã hội - RSS Feed

http://ift.tt/1mFUgWZ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét