Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Giá đất nghĩa trang tăng từng ngày


TP Đà Nẵng hiện có 3 nghĩa trang lớn là Hòa Khương, Hòa Sơn và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang). Tất cả các nghĩa trang chỉ còn khoảng 3 ha đất cho 6.000 mộ. Lợi dụng điều này, các “cò” nghĩa trang đã mua lại đất ruộng và bán với giá cao gấp 10 lần.


Sốt đất nghĩa trang


Vừa vào địa phận nghĩa trang Hòa Sơn, chúng tôi liền bị một nhóm 6 thanh niên chạy trên 3 xe máy bám sát hỏi cần tìm mộ người thân hay mua đất. Lấy lý do cần mua khoảng 100 m2 đất nghĩa trang để dành xây mộ tộc, chúng tôi nhờ 2 thanh niên chỉ dẫn giúp. Ngay lập tức, họ rút điện thoại gọi cho 1 người khác để bàn bạc. Sau ít phút, 1 người tự giới thiệu tên Chân, mới 17 tuổi, rồi yêu cầu chúng tôi chạy xe theo họ.


Chân dẫn chúng tôi đến một mảnh đất đã được xây tường chắn xung quanh nằm sâu trong nghĩa trang. “Anh chị cứ xem thoải mái. Đất xây “nhà” cho người chết bây giờ còn hiếm hơn đất xây nhà của người sống. Giá cả cũng tăng theo từng ngày, anh chị nên mua sớm để dành vì giá đất ở đây sẽ còn tăng nữa”. Chân cho biết khu đất này rộng 200 m2, nếu mua hết thì lấy giá 500.000 đồng/m2. Còn nếu chỉ mua 100 m2 thì giá lên tầm 600.000 đồng/m2. Nếu khách đồng ý, Chân sẽ gọi người mang giấy tờ ra làm thủ tục, đặt cọc luôn.


Thấy chúng tôi chê mảnh đất này xa đường chính khiến việc tổ chức hậu sự khó khăn, Chân tiếp tục đưa chúng tôi đi xem một mảnh đất khác rộng 130 m2, có 2 mặt tiền, giá 800.000 đồng/m2. Chúng tôi đồng ý mua mảnh đất và đề nghị lấy giấy tờ để làm hồ sơ thủ tục theo đúng quy định. Lập tức, Chân gọi điện thoại cho một người tên Luyến. Ít phút sau, một người đàn ông trung niên xuất hiện, yêu cầu chúng tôi đưa Chân 100.000 đồng công dẫn đi coi đất và đòi đưa trước 10 triệu đồng làm tiền cọc, 2 ngày sau sẽ có giấy tờ.



“Cò” đất cũng bao luôn việc xây mộ để kiếm lời.


Để tạo thêm lòng tin, “cò” Luyến khẳng định chắc nịch sẽ làm giấy tờ đàng hoàng gồm giấy viết tay có chữ ký của 2 bên, số CMND và lăn dấu vân tay làm tin. “Anh chị suy nghĩ kỹ rồi đặt cọc cho tụi tui làm sớm, để vài ngày là có người khác mua liền. Đất nghĩa trang bây giờ quý như vàng” - Luyến nói. Thấy chúng tôi chần chừ, Luyến chỉ tay về một khu đất nằm trên đồi cao, phía dưới có hồ nước rộng và tiết lộ mảnh đất đó được ra giá ban đầu chỉ 3 triệu/m2 nhưng do vị trí đẹp, hợp phong thủy nên nhiều người hỏi mua, cuối cùng Luyến bán được với giá 5 triệu/m2.


Muốn có đất phải qua “cò”


Hiện nay, tại nghĩa trang Hòa Sơn, ngoài Luyến còn có hàng chục người cũng hành nghề “cò” đất nghĩa trang. Theo anh Trần Xuân Trực (ngụ xã Hòa Sơn, chuyên làm bia mộ), đất nghĩa trang gần như đã hết. Để có đất bán, các “cò” mua lại đất vườn, đất ruộng của người dân xung quanh với giá khoảng 100.000 đồng/m2 rồi bán lại kiếm lời. Anh Trực cho biết muốn mua bao nhiêu đất nghĩa trang, các “cò” đều đáp ứng được. “Chỉ cần thỏa thuận xong giá cả mua bán, “cò” sẽ tìm cách mua lại đất của dân, cải tạo lại rồi bàn giao cho khách. Do đất nghĩa trang đã hết nên những vị trí này phần lớn nằm ngoài rìa. Tuy vậy, giá đất không giảm mà vẫn tăng lên theo từng ngày vì luôn có nhu cầu” - anh Trực tiết lộ.


Tình trạng mua bán đất nghĩa trang theo như bà Nguyễn Thị Hà - người bán nhang đèn trên đường dẫn vào nghĩa trang Hòa Sơn - rộ lên năm 2009. Nhiều người phất lên nhanh chóng nhờ mua đi bán lại đất nghĩa trang. “Đa số “cò” là người dân địa phương sống lâu năm ở xã Hòa Sơn. Trước đây, họ chỉ là người dân bình thường sống bằng các nghề lao động phổ thông. Từ khi thấy việc bán đất nghĩa trang vốn ít lời nhiều lại dễ kiếm chác nên nhiều người đã chuyển hẳn sang làm “cò” đất” - bà Hà kể.


Theo thống kê của Ban Quản lý các nghĩa trang TP Đà Nẵng, hiện nay, nghĩa trang Hòa Khương đã hết chỗ, nghĩa trang Hòa Sơn còn 1 ha đất dự phòng, còn Hòa Ninh đang phải mở rộng do áp lực di dời giải tỏa mồ mả từ các vùng dự án quá lớn. Theo quy hoạch của UBND TP Đà Nẵng, trong năm 2013, nghĩa trang Hòa Sơn sẽ triển khai thực hiện giai đoạn 4 với tổng diện tích là 40 ha. Tuy nhiên, do vướng mắc ở khâu giải tỏa đền bù nên hiện nay vẫn chưa thể tiến hành.


Ông Phùng Quýt, phó Ban Quản lý các nghĩa trang TP Đà Nẵng, cho biết tất cả các nghĩa trang chỉ còn khoảng 3 ha với khoảng 6.000 mộ. Điều này tạo điều kiện cho “cò” lộng hành. Ngoài ra, theo ông Quýt, nhiều người mắc bẫy “cò” do không nắm rõ chính sách của TP, UBND TP quy định bố trí 1 huyệt mộ diện tích 5 m2 đối với người chết có người thân hộ khẩu tại Đà Nẵng. Các thủ tục rất đơn giản, chỉ cần khoảng 15 phút là xong khi có giấy chứng tử của bệnh viện.


Ông Quýt thừa nhận có biết tình trạng “cò” đất nghĩa trang nhưng không thể ngăn chặn, quản lý nổi. “Nghĩa trang Hòa Sơn rộng hơn 150 ha mà chỉ có 3 người quản lý, nghĩa trang Hòa Ninh chỉ có 4 người. Các nghĩa trang không hề có rào chắn ngăn cách với bên ngoài nên đuổi đường này thì “cò” vào bằng đường khác, không ngăn chặn được” - ông Quýt phân trần. Bên cạnh đó, nhiều gia đình muốn có một khu đất nghĩa trang riêng để an táng những người trong nhà gần nhau nên đã tìm cách thông qua “cò” để mua được lô đất. Về vấn đề này, ông Quýt cho biết nếu người dân có nhu cầu thì nên viết đơn trình bày để ban quản lý xem xét và cấp các khu đất gần nhau.


Theo Người lao động





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://www.nguoiduatin.vn/gia-dat-nghia-trang-tang-tung-ngay-a111493.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét