Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Giáp Têt: ‘Tăm tre lừa đảo’ lại lộng hành


Thủ đoạn mới


Hình thức “tăm tre lừa đảo” là một thủ đoạn không hề mới, trên địa bàn thành phố Hà Nội, cơ quan công an đã triệt phá nhiều trường hợp lừa đảo giả dạng bán tăm tre khuyên góp từ thiên. Tuy nhiên, khi sự việc lắng xuống nhiều kẻ hám của muốn thu lợi bất chính lại sử dụng hình thức tinh vi này để lừa đảo người dân.


Tại bến xe Mĩ Đình, trong dịp Tết Giáp Ngọ này, thủ đoạn lừa đảo đội lốt hình thức tăm tre khuyến mại lại được tiếp diễn.


Giáp Têt: ‘Tăm tre lừa đảo’ lại lộng hành - Ảnh 1


Các đối tượng bán "tăm tre lừa đảo" đang nài nỉ người đi đường dùng thử sản phẩm. Trên tay họ luôn có bản danh sách "những tấm lòng hảo tâm" ủng hộ từ thiện.


Rút kinh nghiệm những “băng nhóm” đã bị cơ quan công an triệt phá trước đó, nhóm đối tượng lừa đảo lần này hoạt động “tinh vi” hơn rất nhiều. Vẫn là những gói tăm tre gán mác hội người mù, trên tay chúng vẫn cầm bản danh sách những “tấm lòng hảo tâm” khuyên góp từ thiện. Nhưng những mánh khóe, thủ đoạn đã khác trước rất nhiều.


Để che mắt cơ quan chức năng, các đôi tượng không còn hoạt động rộng và nhiều người như những lần trước. Thay vào đó chúng chỉ xử dụng 2 kẻ (thường là con gái) trực tiếp rao bán tăm tre và yêu cầu từ thiện. Hai kẻ bán tăm tre cũng ít khi đứng cùng một khu vực, chúng sẽ tản ra các hướng để tránh bị chú ý.


Đối tượng mà những kẻ lừa đảo hướng tới thường là sinh viên, những người mới lên thành phố… Đặc biệt trong dịp Tết này, sinh viên thường đổ về các bến xe, bến tàu để về quê an Tết. Lợi dụng sự vội vàng và mất cảnh giác của sinh viên chúng nhanh chóng tiếp cận và “lừa đảo” một cách dễ dàng.


Theo quan sát của phóng viên, chỉ trong một thời gian ngắn, hai đối tượng đã tiếp cận và dùng thủ đoạn “bán tăm tre” để lừa đảo rất nhiều sinh viên, đặc biệt chúng thường chọn các bạn nữ để lợi dụng sự mất cảnh giác của họ.


Cách thức lừa đảo của chúng hết sức nhanh gọn. Khi đã chọn được mục tiêu, một kẻ sẽ tiến tới tiếp cận và dúi cho người bị hại một gói tăm đề nghị dùng thử. Để người bị hại không kịp từ chối, kẻ lừa đảo ngay lập tức “liến thoắng” một hồi về việc “bán tăm từ thiện” và chìa ra bản danh sách những tấm lòng hảo tâm. Với những người nhẹ dạ, họ có thể sẽ mất tới 50-100 nghìn đồng/1 gói tăm cho những kẻ lừa đảo mà cứ nghĩ rằng đang ủng hộ từ thiện.


Giáp Têt: ‘Tăm tre lừa đảo’ lại lộng hành - Ảnh 2


Các đối tượng thường chọn sinh viên là người để tiếp cận.


Với những người “ngoan ngoãn” nộp tiền từ thiện thì chúng không bắt bẻ và giở trò lưu manh, còn những trường hợp từ chối ủng hộ chúng sẽ dùng thủ đoạn khác. Theo đó nhóm đối tượng thường có từ 3 tới 5 thành viên, ngoài 2 kẻ bán tăm tre, số còn lại sẽ phục kích xung quanh với vai trò “dằn mặt” những ai từ chối và không khuyên góp tiền. Các đối tượng sẵn sàng chửi bới, đe dọa, thậm chí hành hung những ai dám lên tiếng phản đối.


Muôn ngàn cạm bẫy nơi bến xe, bến tàu


Để hiểu rõ hơn cách thức lừa đảo của nhóm đối tượng, PV sắm vai một sinh viên và tiếp cận hai kẻ bán tăm. Ngay lập tức đánh hơi được “con mồi”, một kẻ nhanh chóng tiến tới và dúi cho PV một gói tăm rồi yêu cầu đóng tiền. Thoáng nhìn bản danh sách từ thiện, PV vô cùng bất ngờ trước con số người bị hại, chỉ một gói tăm nhưng nhiều người đã phải mua với số tiền rất lớn.


Khi được yêu cầu cho xem những giấy tờ chứng nhận họ là tổ chức từ thiện, đối tượng bán tăm tỏ ra khó chịu và nhanh chóng từ chối. Sau khi bị dò xét, chúng tỏ ra cảnh giác và không trả lời bất cứ một câu hỏi nào của PV.


Chỉ vừa kết thúc “vụ mua bán” với cô gái bán tăm, ngay lập tức có một người đàn ông tới tiếp cận và rao bán điện thoại. Người đàn ông đứng tuổi với vóc dáng nhỏ con, ông ta thủ thỉ tâm sự: “Anh là dân nghiện ngập, đang đói thuốc. Anh mới chôm được một chiếc điện thoại Samsung Galaxy S4, muốn bán lại với giá rẻ cho chú”.


Ban đầu hắn thét giá 6 triệu, nhưng khi PV nói rằng không có nhiều tiền hắn đã nhanh chóng xuống giá chỉ còn hơn 3 triệu đồng. Quá bất ngờ trước mức giá bèo mà người đàn ông kia đưa ra (Samsung Galaxy S4 giá thị trường khoảng gần 14 triệu đồng), tôi nhanh chóng đề nghị được xem qua chiếc điện thoại.


Mẫu mã chiếc điện thoại của người đàn ông hoàn toàn giống với Samsung Galaxy S4 ngoài thị trường, tuy nhiên những chức năng tỏ ra thua xa dòng điện thoại này. Nếu những ai chưa có kinh nghiệm sử dụng Smatphone, chắc chắn sẽ bị mẫu mã chiếc điện thoại này đánh lừa.


Sau một hồi xem xét các chức năng, tôi nhanh chóng từ chối với lý do không đủ tiền. Người đàn ông tức giận bỏ đi và không quên để lại một câu chửi thề vô cùng độc địa.


Chờ người đan ông kia đi xa, cô bán hàng nước gần đó cho biết: "Đấy là thằng chuyên lừa bán điện thoại dởm, ở bến xe này nhiều đứa như thế lắm. Không cẩn thận là mua phải hàng đểu với chúng nó ngay, tiền mất tật mang”.


Chị chủ hàng nước cũng cho biết thêm, vì chị đã bán ở bến xe lâu năm nên chị biết nhiều loại lừa đảo. Nhóm đối tượng bán tăm kia từ lâu đã hoạt động tại đây, nhưng có một thời gian chúng ngừng lại, tới dịp Tết Giáp Ngọ này mới tái xuất. Còn rất nhiều trò lừa đảo khác nữa nhằm vào người dân như lừa bán điện thoại đểu, bán máy ảnh đểu… Có muôn vàn cạm bẫy ở bến xe mà nếu không cảnh giác là bị đưa vào tròng”.


Tăm tre lừa đảo là một chiêu trò không mới, tuy nhiên việc nhiều người dân vẫn chưa biết tới thủ đoạn “xưa cũ” này là lý do để chúng vẫn có cơ hội hoành hành. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý mạnh tay để không còn tình trạng trên xảy ra.


S. Thạch





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://ift.tt/1mZSAp9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét