Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Tinh hoa võ ngựa trong võ thuật cổ truyền dân tộc


Đòn nghịch mã - tuyệt kỹ của các cao thủ


Võ ngựa là một trong những di sản của võ thuật dân tộc cũng như võ thuật nhân loại. Võ ngựa được ứng dụng rất cao trong nền võ thuật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở nước ta. Hầu hết trong chiến tranh, thời cổ trung đại thì kỵ binh luôn là lực lượng chủ lực, quyết định sự thắng bại trên chiến trường. Cũng chính vì vậy, võ ngựa được ra đời và phổ biến từ rất sớm và là một trong những thành tựu của nền võ thuật nhân loại.


Bàn về võ ngựa trong di sản võ thuật của dân tộc, võ sư Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Võ ngựa được ứng dụng phong phú và linh hoạt trong lịch sử dân tộc. Từ việc cha ông ta đã dùng ngựa để di chuyển trong chiến đấu, đến việc mô phỏng hình ảnh con ngựa để sáng tạo ra các đòn đánh, thế đánh hữu dụng. Di sản về võ ngựa trong nền võ thuật của dân tộc rất lớn nhưng điểm độc đáo nhất của võ ngựa phải kể đến các thế đá nghịch mã, các thế hồi mã cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thế võ ngựa và cách di chuyển chiến đấu của ngựa tạo nên những thế đánh độc đáo và đầy sức mạnh.


Theo võ sư Văn Thắng, trong võ ngựa trước hết phải nhắc đến việc dùng ngựa di chuyển trong chiến đấu. Trong các thế di chuyển độc đáo nhất là thế di mã và thế phi hành mã. Các thế di chuyển này luôn được kỵ binh thời xưa ứng dụng nhằm tận dụng tốc độ và sức mạnh của ngựa để di chuyển, luồn lách trong chiến đấu, tạo ra sự lấn lướt, tiếp cận và tiêu diệt kẻ thù. Phần quan trọng nhất của võ ngựa đó chính là các đòn, thế mô phỏng hình ảnh con ngựa. Võ học gọi thủ pháp ngựa tức là thủ pháp đảo mã. Hiện có 3 thủ pháp đảo mã cơ bản gồm, trực tiền mã - di chuyển phía trước; âm dương mã - cách di chuyển hai bên và hậu mã - ngựa lùi. Cùng với đó, võ cổ truyền còn sáng tạo ra các bộ pháp của ngựa như mã tấn (thế đứng ngựa), thủ mã (thế thủ của ngựa), hợp mã (các bộ pháp kết nối của ngựa), mã cước (cú đá của ngựa), đỉnh cao nhất là các thế đá nghịch mã cước (đá hậu). Trong chiến đấu, các thủ pháp đảo mã được ứng dụng để phá thế của đối phương và tạo thế tung những đòn nghịch mã. Tất cả các thủ pháp di chuyển đều tạo điều kiện để thực hiện các đòn nghịch mã cước - đá hậu.


Tinh hoa võ ngựa trong võ thuật cổ truyền dân tộc - Ảnh 1


Các đòn đá nghịch mã có súc công phá mạnh để triệt hạ đối thủ

Cũng theo vị võ sư này, các đòn đá hậu - nghịch mã cước chính là tinh hoa của võ ngựa. Đến nay, có ba cú đá cơ bản và quan trọng nhất mà các cao thủ lâu nay vẫn tu luyện và thường dùng. Đòn đá này đòi hỏi sự khổ luyện và kỹ thuật cao, do đó không phải cao thủ không dùng được. Chỉ những người luyện võ đạt đến độ điêu luyện mới sử dụng thành thạo được nó. Trong thể thao, các đòn đá này được ứng dụng ở nhiều môn võ khác nhau và thông thường nó được "ăn" thang điểm cao nhất.


Thứ nhất, đòn Lạc mã cước, đây là cú đá khi đối phương tấn công, ta vặn người sang bên và thực hiện cú đá hậu khiến đối phương bất thần. Thứ hai, đòn nghịch mã cước: Cú đá nghịch mã là cú đá hiểm hóc nhất trong võ ngựa, cú đá này vừa để hoá giải địch thủ, vừa để tấn công địch thủ. Đối phương càng tấn công nhanh, càng dùng lực, thì càng nguy hiểm cho chính họ. Khi thực hiện, ta tấn công đối phương một cú đá, bị bắt chân, ta phản đòn bằng cách tung người trên không, đá ngược về phía sau làm đối phương ngã vật về phía sau, có thể gây tổn thương nặng về lục phủ ngũ tạng. Thứ 3 là cú đá Bạt mã cước. Đây là cú đá khá phức tạp để phản cước đối phương. Khi đối phương tấn công bằng một đòn đá (đòn cước), ta dùng nhu quyền (tay) để cản phá, vô hiệu, và tung lên ngọn cước sấm sét vào mặt đối phương và bay lên trên không một cú đá úp sọt quật ngã đối phương.


Đòn hồi mã - tuyệt kỹ của các dũng tướng


Nói về võ ngựa trong võ thuật, võ sư Văn Thắng cho rằng, cần phải nhắc đến các đòn hồi mã của binh khí dài trong tư thế đang cưỡi ngựa chiến đấu. Trong lịch sử dân tộc thời cổ trung đại, cha ông ta thường chiến đấu trên chiến trường rộng lớn nên sử dụng binh khí dài để tấn công và phòng thủ đối phương. Người xưa gọi các binh khí (thương, đao, kiếm, côn, xích) là vua chiến trường. Trong các đòn thế nguy hiểm khi dùng các binh khí này phải kể các thế đánh hồi mã. Các đòn đánh này đều là đòn hiểm, được các dũng tuớng áp dụng trong hoàn cảnh khi đối phương rượt đuổi. Các dũng tướng luôn sử dụng thành thạo các đòn đánh này để giải thế nguy, thậm chí đoạt mạng đối phương khi dụ được đối thủ vào thế rượt đuổi trên chiến trường.


Đòn hồi mã thương là đòn đánh tổ hợp, công thủ với nhiều biến ảo. Khi đối phương rượt đuổi trên chiến trường, ta ngoắt thương về phía sau để khống chế đòn đánh của đối thủ, rồi dùng một đòn hồi mã thương trên đỉnh đầu. Tiếp đó, dùng thương đánh vào yết hầu đối phương và quặt xuống hạ đan phóng vào hạ bộ. Đòn nghịch mã đao, được dùng khi đối phương tấn công bằng một đòn chém trên đỉnh đầu. Khi đang thế phi ngựa tiến hành cân bằng đao thượng thủ (đưa ngang trên đỉnh đầu để hoá giải đòn chém đòn bổ đầu của đối phương). Sau đó, dùng đòn chém xung thiên (Loan đao chém hình vòng cung từ trước ra sau theo hướng nhằm đầu của đối phương). Đòn hồi mã kiếm (trong cưỡi ngựa dùng song kiếm), dùng thế thượng trấn hậu triệt, hoành đảo tàng vân. Trong thế này, thượng trấn hậu triệt, một thế hoành đảo tàng vân, tiến đến thượng đỉnh, hậu thích.


Võ sư Nguyễn Văn Thắng nhận định: "Võ cổ truyền của dân tộc, một bài tổng hợp về võ ngựa thì xưa nay chưa từng có. Nhưng, tất cả các bài quyền, các thế chiến đấu đều dùng võ ngựa là một trong những nền tảng. Võ ngựa nổi trội nhất đó chính là cách di chuyển như di mã, phi mã độc đáo không thế võ nào hơn. Trong đòn cước, võ ngựa là đệ nhất (đột ngột, nguy hiểm). Ở bốn phương tứ hướng của các thế đánh thì thế hồi mã, nghịch mã, hậu mã đều là thế độc thủ và nguy hiểm cho đối phương.








Tinh hoa muôn loài qua các thế võ

Cách di chuyển bộ pháp khi dựa theo nhiều loại động vật, nhưng cách di chuyển trên mặt đất nhanh nhẹn nhất là ngựa, mạnh mẽ trầm lắng là hổ, luồn lách là xà, thanh nhẹ như chim. Trong bốn thế tứ đẳng công (khắc, chế, phản, biến) thì võ ngựa cùng với võ xà và võ hầu là mạnh nhất. Ưu thế của khỉ là trên không, ưu thế của xà là luồn lách trên mặt đất, ưu thế của ngựa là di chuyển trên mặt đất. Vì thế, trong thực chiến, nhiều cao thủ kết hợp cách di chuyển của võ ngựa với cách đánh các lối khác như Hổ quyền mã tấn (ứng dụng đòn tay mạnh mẽ của võ hổ với sự vững chãi, nhanh nhẹn của thủ pháp ngựa)…



Trinh Phúc





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://ift.tt/1bcfeZ9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét