Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Tết ở bệnh viện của những thân cò làm nghề nuôi bệnh nhân


Thương lắm những "thân cò"


Những ngày cuối năm, nhiều bệnh nhân đang điều trị ở các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM lại rục rịch khăn gói về nhà ăn Tết. Không khí Tết ở bệnh viện ảm đạm, chậm chạp và hiu quạnh cùng những bệnh nhân không thể về nhà. Tuy vậy, những "thân cò" chọn nghề chăm sóc bệnh nhân để mưu sinh thì phải sáng tạo ra không khí vui vẻ.


Cô Nguyễn Thị Chùm (53 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết: "Khi được mấy người bạn giới thiệu đi chăm sóc người bệnh ở bệnh viện Thống Nhất, tôi nhận lời ngay, cũng không nghĩ đến những khó khăn mình sẽ gặp phải trong lúc làm việc. Bởi, tôi nghĩ đơn giản, cứ chăm sóc họ như lo lắng cho người thân mình là được".



Ban đầu, cô Chùm và các bạn làm việc tự do, cứ lân la các bệnh viện trên địa bàn thành phố ai thuê thì làm. Về sau, công ty Tâm Đức gợi ý các cô vào làm việc dưới sự quản lý và phân công của họ thì công việc đỡ bấp bênh hơn. Không phải đi tìm khách hàng, các cô chỉ việc tận tâm chăm sóc người bệnh, được phân giờ nghỉ ngơi, xuống ca lên ca rất khoa học. Tuy nhiên, công sức của các cô bỏ ra cho nghề cũng chẳng nhẹ nhàng hơn. Nhất là vào dịp lễ tết, các cô không có nhiều thời gian dành cho gia đình.


Cô Chùm chia sẻ: "Đến Tết, một số chị em không chịu được cảnh xa nhà biền biệt nên xin nghỉ phép về quê. Số khác miệt mài làm, trong đó có cô. Tết, nhà cũng gần, con cái có gia đình riêng, mình có ở nhà mấy ngày tết thì cũng thấy thừa thãi. Ở bệnh viện, cô bầu bạn với chị em cùng nghề không có đủ tiền về quê ăn Tết hay nói chuyện với mấy cụ già bệnh nặng bác sĩ chưa cho xuất viện cho đỡ buồn. Vậy mà, cô thấy vui hơn, riết rồi quen, ba năm liền ăn tết trong bệnh viện vừa kiếm được tiền vừa chăm sóc cho người bệnh.


Không có bằng cấp, không học qua nghiệp vụ nhưng những người chum sóc bệnh nhân chăm sóc người bệnh như người thân. Công việc chăm sóc người bệnh không khó với những người đã làm mẹ, làm vợ. Khó chăng nằm ở lòng người, gặp bệnh nhân khó chịu, hay cáu gắt, la mắng, các chị cắn răng chịu đựng. "Nói lại một, họ méc với con cháu trăm, mình có giải thích thế nào cũng không ai hiểu, nên tốt nhất, họ nói gì cũng kệ, cũng làm theo", chị Nguyễn Ngọc Tuyết (33 tuổi, quê Tiền Giang) nói trong xót xa.


Tết ở bệnh viện của những thân cò làm nghề nuôi bệnh nhân - Ảnh 2


Cô Chùm kể chuyện ăn tết ở bệnh viện.

Không có tết để gia đình có tết


"Việc chăm sóc những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bác sĩ yêu cầu ở lại điều trị trong mấy ngày Tết vô cùng khó. Họ ức chế, buồn bã, trút giận lên người mình, đút ăn thì nhổ ra ngoài, lau người thì đạp mình té ngửa. Tôi biết họ buồn nên thông cảm khi nào họ nguôi ngoai mình lại ngồi trò chuyện cho họ nghe", chị Tuyết cho biết thêm. Bận rộn những ngày tết đã cuốn con cháu của bệnh nhân thoát ra khỏi nghĩa vụ chăm lo cho ông bà, cha mẹ đang ốm. Họ phó mặc người thân cho nhân viên chăm sóc, thăm được đôi lần biếu vài gói bánh mứt cho người làm. Bởi, người bệnh cũng kiêng khem đủ thứ, làm sao biết được mùi vị bánh mứt, thịt kho tàu, dưa hấu đỏ.


Nhiều trong số những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân chấp nhận không có tết để người thân có đủ tiền ăn tết. Chị Tuyết kể về trường hợp chị Hằng (35 tuổi, quê Sóc Trăng): "Chị Hằng có 4 người con, đứa lớn nhất cũng mới học lớp 10. Chồng chị ấy sức khỏe không được tốt, quanh năm bám lấy mấy đám ruộng dưới quê kiếm lúa nuôi con. Tiền ăn học của mấy đứa nhỏ trông chờ vô đồng lương chăm sóc người bệnh của chị Hằng. Qua tết, vô học kỳ mới, phải đóng tiền học, chị ấy không về quê mà ở lại tranh thủ làm kiếm tiền gửi về quê cho mấy đứa con. Tết, người ta trả tiền công nhiều hơn, về quê cũng không vui vẻ gì, không có quà bánh cho con nên đành lòng ở lại".


Tết ở bệnh viện của các cô, các chị cũng chẳng có gì ngoài những món quà tinh thần dành tặng cho nhau. Cô Chùm kể: "Nhà gần, tôi chạy về gom ít mứt, trái cây, mấy đòn bánh tét lên bệnh viện chia cho các chị đồng nghiệp. Mọi người chia bánh cho nhau và cùng kể cho nhau nghe những cái tết quê trong ký ức xa nhà. Nước mắt cũng có rơi, rồi thì nụ cười cũng trở lại. Guồng quay công việc cũng thôi thúc mọi người quen dần với cảnh sống xa nhà, xa Tết. Nhưng thương nhất vẫn là các ông bà già bị bệnh, tuổi già, bệnh tật, nỗi buồn xâm chiếm hết những khoảng thời gian họ ở bệnh viện vào dịp Tết. Nhiều người, tôi dỗ mãi không chịu ngủ, cứ nhất định chờ con cháu đến chơi".


Ngóng đợi chán chê, bệnh nhân quay sang hành người chăm sóc, hết ăn rồi bắt dẫn đi dạo, ăn không hết đạp đổ, có khi còn quấy khóc như trẻ con. Vậy mà, các chị không phiền lòng, hết mực nhẫn nại, ra sức khuyên nhủ, dỗ ngọt để các bệnh nhân ngoan ngoãn đi ngủ. Đợi người bệnh say giấc, các chị lại tranh thủ ra ban công vội vã gọi điện thoại về quê hỏi thăm sức khỏe, chúc tết cha mẹ già, dặn dò con cái chăm lo nhà cửa, cúng kiếng mấy ngày Tết. Và đâu đó nơi góc hành lang, những giọt nước mắt nhớ gia đình lăn tròn trên những khuôn mặt đã bắt đầu già theo năm tháng.








"Ăn ké" tết nhân ái dành cho bệnh nhân

Mấy năm gần đây, nhiều đơn vị, bệnh viện tổ chức những hoạt động ăn Tết ở bệnh viện cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng không thể về nhà. Hòa trong không khí đó, các chị làm nghề chăm sóc bệnh nhân cũng có dịp tham gia, sẵn sàng dành thời gian, công sức để trang trí, mua quà bánh để cùng mọi người có một cái Tết nhân ái và ấm áp ở bệnh viện. Mấy chị nói vui "ăn ké" Tết ở bệnh viện nhưng công việc của các chị xứng đáng được hơn thế.



NGỌC LÀI





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://ift.tt/1bg7NjL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét