Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

'Phải giữ lại cầu Long Biên bằng mọi giá'


Trong những ngày qua, dư luận xã hội và các nhà khoa học đang xôn xao tranh luận và bàn thảo về chủ trương di dời cầu Long Biên của Bộ Giao thông Vận tải để thay thế bằng một cây cầu mới phục vụ nhu cầu phát triển của đô thị Hà Nội.


Bàn về vấn đề này, hội thảo "Bảo tồn cầu Long Biên trong phát triển đô thị" đã diễn ra tại trường ĐH Phương Đông với sự tham gia của đông đảo các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực Kiến trúc, Quy hoạch đô thị, Xây dựng công trình Giao thông, Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị Việt Nam…


Các đại biểu tham dự tọa đàm đã nhấn mạnh giá trị cầu Long Biên về mặt công nghệ, mỹ thuật. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh Long Biên là cây cầu gắn liền với lịch sử phát triển đô thị của Hà Nội thời cận đại.


'Phải giữ lại cầu Long Biên bằng mọi giá' - Ảnh 1


Các nhà nghiên cứu cho rằng cầu Long Biên cần được ứng xử với một thái độ đặc biệt.


PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục khẳng định cầu Long Biên là “biểu tượng của sự trường tồn, vẻ đẹp và các giá trị lịch sử”. Còn nói theo cách của PGS. KTS Trần Hùng thì “nó là một trong những nhân chứng của thời kì Đổi Mới; là tiến bộ của công nghiệp xây dựng chuyển từ nguyên liệu bằng cát sang sắt và thép; thúc đẩy văn minh loài người lên một bước mới”.


Cầu Long Biên là một công trình do người Pháp thiết kế nhưng lại được xây dựng do chính bàn tay những người thợ Việt Nam. Bởi vậy, nó là biểu tượng cần lao của người lao động. Nó vượt cầu Hiền Lương, Long Đại trong chiến tranh và giữ một số phận “kì lạ”, trường tồn trong lịch sử. Hơn nữa, người thợ của Việt Nam được đánh giá cao hơn đằng sau sự hoàn thiện của cây cầu này - PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cho biết thêm.


Riêng PGS.TS.KTS Tôn Đại cho rằng cầu Long Biên là di sản văn hóa có thể phát triển được ngành du lịch không khói và nó là cây cầu có giá trị lớn nhất trong tất cả các cây cầu sau này.


GS Hoàng Đạo Kính - Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư VN đưa quan điểm: “Cầu Long Biên có vị trí đặc biệt, là một di sản. Làm sao có thể chuyển từ thiết chế giao thông sang thiết chế lịch sử văn hóa để vừa bảo tồn, vừa trùng tu được cây cầu. Bởi vậy, không nên vội vàng đưa lên bàn cân để đong đếm”.


Hầu hết các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đều thống nhất việc bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên, đặt nó trong cấu trúc đô thị di sản và có phương án bảo tồn phù hợp. Tuy nhiên, việc cầu Long Biên chưa được công nhận là di sản quốc gia sẽ trở thành nguyên nhân gây khó dễ trong việc ứng xử hài hòa giữa bảo tồn và xây dựng đô thị Hà Nội đối với các nhà quản lý.


Việc xây dựng đô thị Hà Nội trong tương lai sẽ có thêm nhiều cây cầu mới nhưng giới kiến trúc và xây dựng kiến nghị bằng mọi giá phải giữ cây cầu Long Biên. Kết thúc buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu đều khẳng định: Nên bảo tồn cầu Long Biên như một giá trị không thể thiếu của đô thị di sản Hà Nội. Tuy nhiên, việc bảo tồn nó để làm gì và bảo tồn như thế nào lại là vấn đề cần được các nhà nghiên cứu, quản lý và hoạch định chính sách xem xét kĩ lưỡng.


Tường Vi





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://ift.tt/N0BRHk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét