Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Xe đạp chống ùn tắc: Chỉ để giống… Tây!

Khuyến khích người dân dùng xe đạp để kích cầu ngành công nghiệp sản xuất xe đạp là không hợp lý.



Sở Công Thương TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 1168 gửi UBND TP Hà Nội đề xuất đề án thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xe đạp. Mục tiêu của đề án là đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ xe đạp của Hà Nội; khuyến khích người dân sử dụng xe đạp nhằm giảm ùn tắc, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường… Dự kiến đề án thực hiện trong hai năm với kinh phí khoảng 900 triệu đồng.


Học hỏi từ nước ngoài


Căn cứ để Sở Công Thương TP Hà Nội đưa ra ý tưởng này là hiện các TP lớn trên thế giới đang tìm cách giảm bớt lượng ô tô, xe máy lưu thông trong đô thị nhằm kéo giảm ùn tắc. Tình hình tại TP Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cũng tương tự, “sự phát triển nhanh về số lượng các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị” - đề án nêu.


Để thực hiện đề án, sở này đề xuất lựa chọn một số TP tiêu biểu như Amsterdam (Hà Lan), London (Anh) để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm việc sử dụng xe đạp trong giao thông đô thị. Tiếp đó, tổ chức triển lãm xe đạp nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp.


So sánh khập khiễng


PGS-TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT TP Hà Nội, cho rằng cần cân nhắc kỹ cả về hiệu quả kinh tế lẫn giao thông của đề án. “Những năm 1980-1990, xe đạp phát triển ồ ạt và được xem là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Bây giờ lại khuyến khích người dân sử dụng xe đạp như một biện pháp giảm ùn tắc là không hợp lý. Ngoài ra, điều kiện khí hậu nhiệt đới, thời tiết nắng nóng, cơ sở hạ tầng, đường phố của Việt Nam hoàn toàn khác các nước ở châu Âu. Nếu lấy kinh nghiệm của các TP lớn ở châu Âu để áp dụng vào thực tế của Hà Nội và Việt Nam sẽ rất khập khiễng” - ông Thụ nhận định.


Xe đạp chống ùn tắc: Chỉ để giống… Tây!, Tin tức Việt Nam, Tin tức trong ngày, nguoi ha noi di xe dap, di xe dao trong noi do, di xe dap trong noi do giam tac duong, giam tac duong, phuong an giam tac duong o noi do, tin tuc, tin nhanh, tin hot, vn


Theo TS Khuất Việt Hùng, với đặc điểm hạ tầng giao thông của Hà Nội thì ý tưởng khuyến khích dùng xe đạp để giảm ùn tắc giao thông là chưa phù hợp. Ảnh: V.Thịnh


Cũng theo ông Thụ, xe đạp có tốc độ lưu thông chậm, mất nhiều thời gian hơn so với các phương tiện khác nên sẽ là một trở ngại lớn đối với nhiều người. Với một thủ đô có mật độ dân số đông như Hà Nội, khuyến khích dùng xe đạp có khi dẫn đến ách tắc giao thông nhiều hơn. Ở các nước châu Âu, song hành với xe đạp là những phương tiện giao thông hiện đại như tàu điện ngầm, xe buýt điện,… có thể hỗ trợ cho người dân những lúc cần tốc độ nhanh. Điều này các TP ở Việt Nam hoàn toàn chưa đáp ứng được.


Chưa chắc người dân đón nhận


TS Khuất Việt Hùng, Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đánh giá: Xe đạp là phương tiện giao thông tiết kiệm nhiên liệu, giá rẻ nhưng có tốc độ chậm nên chỉ phù hợp với quãng đường ngắn 2-3 km, có phần đường dành riêng. Còn với đặc điểm hạ tầng giao thông của Hà Nội thì ý tưởng khuyến khích dùng xe đạp để giảm ùn tắc giao thông là chưa phù hợp. “Xem ra đề án này nghiêng về mục đích kích thích doanh nghiệp sản xuất xe đạp hơn là giảm ùn tắc giao thông. Theo tôi, để thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc thì cần có sự tham vấn của ngành GTVT, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng,… ” - TS Hùng nhận xét.


Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc khuyến khích người dân dùng xe đạp để kích cầu ngành công nghiệp sản xuất xe đạp là không hợp lý. “Bao năm qua, ngành công nghiệp xe đạp trong nước gần như “chết đứng” vì sự cạnh tranh khốc liệt của xe đạp nhập khẩu. Đề án nhằm mục đích tốt là thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp xe đạp nội địa nhưng quan trọng là liệu xe đạp sản xuất ra có được người dân đón nhận hay không. Theo tôi, cho dù khuyến mãi tối đa thì chưa chắc người dân đã sử dụng xe đạp bởi còn tùy vào sở thích, nhu cầu công việc, đi lại của họ” - chuyên gia này chia sẻ.


Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, cho biết hiện vẫn chưa nhận được đề án trên. Đây là đề án do Sở Công Thương đề xuất, nếu UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương thì sở này có trách nhiệm lấy ý kiến các đơn vị liên quan, trong đó có ngành giao thông. Khi đó Sở GTVT sẽ có quan điểm chính thức.





Tin tức xã hội online

via Tin tức Online - Xã hội - RSS Feed

http://tintuconline.com.vn/vn/thuongnhat/20130418150502838/xe-dap-chong-un-tac-chi-de-giong-tay.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét