Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Ngư dân 'tố' tàu Trung Quốc với Chủ tịch nước


Khẳng định sẽ tìm ra giải pháp hữu hiệu trợ giúp bà con, Chủ tịch nước nói thêm: “Cái gì chưa tốt ở tầm chiến lược biển Việt Nam, chúng tôi sẽ sửa chữa. Cái gì không công bằng thì phải đấu tranh...”.


Ngày 14-4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm hỏi ngư dân tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam). Trong buổi nói chuyện với ngư dân, Chủ tịch nước thân mật gọi từng ngư dân ra ngồi để nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, đề xuất và nghe cả những hiểm nguy đang rình rập ngư dân...



Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chuyện với ngư dân xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam chiều 14-4 - Ảnh: Tấn Vũ


Chiếc dù quân sự lớn được căng lên giữa cảng cá Tam Quang, hàng trăm ngư dân địa bàn xã cùng nhiều ngư dân khác đứng đợi Chủ tịch nước. Sau bài phát biểu của lãnh đạo huyện Núi Thành, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chào hỏi ngư dân rồi bất ngờ quay sang cầm micro nói: “Tôi muốn nói chuyện cùng bà con ngư dân. Bây giờ tôi làm MC luôn, bà con cứ nói thoải mái. Tôi muốn nghe một ngư dân, một trưởng nhóm đánh bắt hoặc một chủ tịch hợp tác xã và chủ tịch hoặc phó chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá của địa phương nói”.


Bà con có khó khăn gì?


Ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (xã Tam Quang) trình bày với Chủ tịch nước những khó khăn trong nghề cá mà ngư dân hiện đang gặp phải, đó là tàu đánh bắt xa bờ ít trong khi sản lượng được nhiều, còn tàu đánh bắt ven bờ quá nhiều, chiếm đến 60-70% lượng tàu mà sản lượng lại ít. Khó khăn nhất là làm sao có tàu đánh bắt xa bờ để vươn khơi, vươn xa.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hỏi: “Bây giờ làm sao để ngư dân có thể có tàu đánh bắt xa bờ từ 90 CV trở lên để vươn khơi? Anh đề nghị chính sách luôn!”. Ông Cảnh trả lời: “Muốn có tàu phải vay ngân hàng. Nhưng ngân hàng thì vướng đủ thứ”. Chủ tịch nước hỏi tiếp: “Nhưng mà vướng cái gì?”. “Để vay được ngân hàng thì mình phải có ít nhiều vốn tự có rồi thế chấp mới được vay ngân hàng. Cái tàu bây giờ đóng từ 2-4 tỉ đồng, nhưng để vay được chừng ấy tiền thì vô cùng khó. Ngân hàng giải quyết cho vay chậm trong khi lãi suất cho vay rất cao, từ 12-14%/năm” - ông Cảnh nói.


Chủ tịch nước thắc mắc: “Ngân hàng chậm là ngân hàng nào? Người dân tự có bao nhiêu? Muốn vay thêm bao nhiêu để đóng được con tàu vươn xa?”. Ông Cảnh cho biết: “Thông thường ngư dân vay khoảng 50%, khoản còn lại tự vay mượn, vay hàng xóm, mượn bà con để có được con tàu”.


Chủ tịch nước tiếp tục hỏi ngư dân Phan Vĩnh Tiến, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Núi Thành: “Ngư dân muốn đề xuất sao đây? Nghe báo chí nói có đánh thuế đường bộ vào xăng dầu ngư dân gì đó đúng không? Có nộp thuế gì không?”.


Ông Tiến trả lời: “Muốn Nhà nước cho ngư dân vay lãi suất thấp hơn, thời gian lâu hơn may ra mới làm ăn có lãi. Còn việc thu phí đường bộ mà đánh vào xăng dầu là phi lý. Trong khi ngư dân đổ dầu rồi chạy ra biển, không đi trên đường bộ mà cũng chịu phí là vô lý”. Ông Lê Văn Trịnh, một ngư dân, xung phong được có ý kiến thêm với Chủ tịch nước: “Ngoài phí đường bộ đánh vào xăng dầu phi lý, đề nghị giảm luôn thuế môn bài cho ngư dân. Ngư dân ra biển ngoài việc đánh cá còn phải bảo vệ chủ quyền, đề nghị Đảng, Nhà nước có cơ chế đặc biệt lúc này”.


“Ghé vào vài hôm thì bị đuổi”


Ngoài việc khó khăn về vốn, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh: “Bây giờ đánh bắt gặp khó khăn gì không?”. Ông Cảnh lắc đầu, cho hay: “Bão gió dữ quá, đảo Bạch Quy, đảo Bom Bay của mình mấy năm trước vào trú được, bây chừ Trung Quốc đuổi quá. Đảo này ở dưới Hoàng Sa, cỡ 16 độ vĩ bắc - 116 độ kinh đông mà nó cũng đuổi. Cách Hoàng Sa khoảng 60 hải lý phía dưới. Ở đó có bãi đá ngầm lúc nổi lúc chìm, cũng bị đuổi”. Sau khi nghe ý kiến ngư dân, Chủ tịch nước hỏi tiếp: “Ngoài ra còn khó khăn gì nữa không? Người ta đuổi thì mình làm sao? Khi bị bão thì làm sao? Bà con ngư dân khác trong vùng biển như thế nào?”. Ông Cảnh trầm tư: “Gặp bão thì thả dù và tìm nơi trú ẩn, đuổi thì tránh, ngư dân làm ăn chứ làm gì đâu mà đuổi đánh”.


Ngư dân Phạm Văn Bi, chủ tàu 91757, phản ảnh với Chủ tịch nước: “Theo nghị định 48 của Chính phủ, ngư dân ra biển được hỗ trợ xăng dầu bốn chuyến/năm. Tại sao ngư dân đi bốn chuyến mà chỉ được địa phương hỗ trợ hai chuyến, số tiền hai chuyến còn lại đi đâu? Dân nghèo là do chủ trương chính sách. Vay tàu lớn mà lãi suất cao trong khi Nhà nước không hỗ trợ, vay trả lãi không là nghèo!”.


Ông Bi nói thêm: “Thưa Chủ tịch nước! Hoàng Sa là của Việt Nam mà ghé vào vài hôm là bị đuổi, nó kèm miết, nó chạy theo cả ngày làm ăn chi được. Vừa rồi ngư dân Quảng Ngãi bị bắn, có chuyện gì mình ghé vào họ bắn bể đầu thì sao? Trung Quốc họ đầu tư dữ lắm, hàng trăm chiếc tàu tràn xuống với đèn chùm sáng trưng, pha lóe cả mắt mình làm ăn chẳng được. Đề nghị Nhà nước quan tâm”.


Chủ tịch nước nhắn gửi: Tuy không thể đến từng xóm chài, thăm từng hộ ngư dân trên cả nước, nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện và tin tưởng bà con ngư dân bám biển. Trước những kiến nghị cụ thể của bà con, Chủ tịch nước khẳng định sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin từ các cơ quan, đoàn thể, qua đó cùng trao đổi bàn bạc, tìm ra giải pháp hữu hiệu trợ giúp bà con. Chủ tịch nước căn dặn: “Bà con phải đoàn kết, giữ vững truyền thống, kiên trì, xây dựng nghiệp đoàn tốt gắn bó nơi biển xa. Cái gì chưa tốt ở tầm chiến lược biển Việt Nam chúng tôi sẽ sửa chữa. Cái gì không công bằng thì phải đấu tranh...”.









Phải bảo vệ ngư dân


Sau khi nghe ý kiến của bà con ngư dân và chia sẻ những khó khăn với ngư dân địa phương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi nói chuyện với lực lượng Vùng cảnh sát biển 2 đóng tại cảng Kỳ Hà, Núi Thành. Báo cáo với Chủ tịch nước, Vùng cảnh sát biển 2 cho biết cảnh sát biển trên địa bàn đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp tốt với hải quân để ngăn chặn sự xâm nhập của tàu nước ngoài và giữ vững chủ quyền. Năm qua, cảnh sát biển của vùng đã xua đuổi 281 lượt tàu nước ngoài và lập biên bản xử lý vi phạm 12 chiếc. Thu thập, cung cấp tài liệu, bằng chứng cho các cơ quan chức năng về bằng chứng xâm phạm chủ quyền của tàu nước ngoài.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh và đánh giá cao lực lượng cảnh sát biển trong vùng hoạt động tốt thời gian qua. Chủ tịch nước cho rằng vùng biển mà Vùng cảnh sát biển 2 đang quản lý là vùng biển hết sức quan trọng, do đó đầu tiên là phải bảo vệ vững chắc. “Ngày càng làm chủ vững chắc vùng biển mà Quân ủy trung ương giao phó. Xứng đáng là lực lượng chịu trách nhiệm vùng biển quan trọng của đất nước” - Chủ tịch nước nói. Chủ tịch nước dặn dò các chiến sĩ Vùng cảnh sát biển 2: “Bằng mọi cách phải bảo vệ hoạt động bình thường của ngư dân. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của đất nước. Các hoạt động đánh bắt hải sản, hoạt động khai thác dầu khí, các hoạt động của các doanh nghiệp, vận tải biển, nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam phải hết sức an tâm. Điều này hết sức hệ trọng”.



Theo Tuổi trẻ





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://www.nguoiduatin.vn/ngu-dan-to-tau-trung-quoc-voi-chu-tich-nuoc-a76261.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét