Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Một lòng sống chết với Hoàng Sa


Ngay sau hành động vô nhân đạo trên, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối tới Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 25/3.


Ông Lương Thanh Nghị - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”.


Ngư dân liên tục bị đe dọa



Chủ tàu Bùi Văn Phải (bên phải) vẫn còn thẫn thờ sau khi bị phía Trung Quốc bắn cháy cabin tàu


Xuất quân vươn khơi ra vùng biển Hoàng Sa vào ngày 28/2/2013, chiếc tàu QNg 96382-TS nuôi hy vọng cùng 9 ngư dân với chuyến biển đầy ắp cá. Khi đến vùng biển Hoàng Sa, các ngư dân tổ chức lặn tại khu vực đảo Linh Côn thì bất ngờ xuất hiện 2 tàu sắt ghi chữ Trung Quốc, tiến đến áp sát và dùng vòi rồng phun vào mạn tàu.


Ngư dân Lê Thu nhớ lại: “Khi anh em nhìn thấy 2 tàu màu trắng của Trung Quốc mang số hiệu 262 và 263, lực lượng trên tàu tấn công mà chẳng hỏi hay nói năng gì.


Vì tàu của mình có công suất nhỏ (105CV) nên anh em cố nhẫn nhịn, liên tục nhấn ga hết công suất với hy vọng thoát khỏi tàu Trung Quốc. Khi cách đảo Linh Côn khoảng 7 hải lý thì 2 tàu Trung Quốc mới chịu dừng lại. Lúc đó máu gan anh em tôi gần lên tới đỉnh, định làm liều nhưng đành cố nhịn”.


Quyết không chịu khuất phục trước sự uy hiếp của tàu Trung Quốc, các ngư dân trên tàu đều đồng lòng quay trở lại đảo Linh Côn đánh bắt hải sản.


Đến ngày 20/3, trong khi một số ngư dân đang lặn tìm “vận may” dưới đại dương, bỗng xuất hiện một tàu màu trắng của Trung Quốc (số hiệu 786) tiến lại gần và bắn nhiều phát đạn vào thân tàu của ngư dân Bùi Văn Phải.


“Cabin bị cháy rồi, mọi người dập lửa ngay, có 4 bình gas trên cabin kìa”, thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh kể lại lúc cabin bị cháy.


Thấy ngọn lửa bốc cháy dữ dội, các ngư dân không quan tâm đến tàu Trung Quốc mà tập trung dập lửa. Sau 30 phút chống chọi giữa biển cả, cuối cùng ngọn lửa đã dập tắt, còn tàu Trung Quốc cũng lặng lẽ bỏ đi. Toàn bộ vật dụng, thức ăn,… đều bị cháy rụi trong biển lửa, ngày trở về chỉ còn sót lại 76 con hải sâm.


“Thế là 300 triệu vay mượn cho chuyến biển này đành bỏ biển, còn hư hỏng trên tàu nữa”, ngư dân Bùi Văn Phải rầu rĩ tâm sự.


Cũng theo thông tin từ UBND huyện Lý Sơn, nhiều tàu cá ở Lý Sơn cũng bị tàu Trung Quốc uy hiếp bằng nhiều phương thức như phun vòi rồng, dùng tàu sắt ép tàu cá chạy ra ngoài hay dùng đạn bắn vào tàu, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, trong đó điển hình có tàu cá của ông Dương Văn Giàu (ngụ xã An Hải, Lý Sơn).


Ngoài ra, nhiều tàu cá ở huyện Bình Sơn cũng bị tàu Trung Quốc bắn cháy, phá hại tài sản cũng như vật dụng trên tàu cá của ngư dân. Cụ thể như trường trường tàu cá của ngư dân Trương Văn Đức (mang số hiệu QNg 95337-TS, ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin và bộ đàm, khi tàu cá đang trên đường chạy trú bão tại đảo Trụ Cẩu thuộc vùng biển Hoàng Sa vào tháng 9/2011.


Trước hành động vô nhân đạo của các tàu Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần trao công hàm và lên tiếng phản đối.


Cùng với các việc làm của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngư dân Bùi Văn Phải kiên quyết nói: “Dù có bỏ mạng ở Hoàng Sa, chúng tôi vẫn tiếp tục vươn ra khơi mưu sinh trên quê hương đất tổ tiên, bởi Hoàng Sa là nơi khắc ghi dấu chân của đội Hùng binh Hoàng Sa. Thiếu Hoàng Sa, người dân Lý Sơn như thiếu khúc ruột của mình vậy”.


Trong thời điểm này, vào ngày 27 và 28/4, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Tuần Văn hóa Biển đảo 2013.


Theo Dân trí





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://www.nguoiduatin.vn/mot-long-song-chet-voi-hoang-sa-a73215.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét