Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Quyết xây bảo tàng nghìn tỉ

Bảo tàng Khoa học Đồng Nai đã được UBND tỉnh phê duyệt. Dự án này dự tính có vốn đầu tư lên đến 70 triệu USD. Hiện tỉnh đang chuẩn bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án này.



Trước đó từ năm 2008, Đề án Bảo tàng Khoa học Đồng Nai được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Đồng Nai trình và được UBND tỉnh này phê duyệt chấp thuận chủ trương.

Tiền không lo nhưng chưa tính được nguồn


Dự án dự tính được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 25 ha tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ với các khu trưng bày triển lãm, hội trường, phòng thí nghiệm, khu cắm trại, khuôn viên dành cho các cuộc thi khoa học...


Theo Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai, mô hình Bảo tàng Khoa học Đồng Nai sẽ được mô phỏng theo các bảo tàng ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản.


Theo tính toán của Sở KHCN tỉnh Đồng Nai, bảo tàng không chỉ mang tính chất trưng bày mà sẽ tổ chức khai thác các hình thức hoạt động du lịch khác như trưng bày sản phẩm mới, các hoạt động vui chơi, thí nghiệm khoa học..., chắc chắn thu hút du khách. Nếu bán vé như khu du lịch Suối Tiên ở TP HCM, cũng có thể thu về hơn 40 tỉ đồng/năm.


Tuy nhiên, phía Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh mục tiêu trên hết vẫn là sự truyền đạt, nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học cho các thế hệ tương lai.











Mô hình bảo tàng dự kiến sẽ được lựa chọn xây dựng tại Đồng Nai

Mô hình bảo tàng dự kiến sẽ được lựa chọn xây dựng tại Đồng Nai



Nhiều ý kiến lo ngại nguồn kinh phí cho việc xây dựng quá lớn sẽ khó khăn cho việc huy động cũng như lo ngại sự lãng phí.


Về vấn đề này, ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai, cho biết địa bàn tỉnh được quy hoạch là trung tâm khoa học, công nghệ của cả nước trong tương lai. Việc xây dựng bảo tàng được sự chia sẻ, hỗ trợ trực tiếp của Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam cũng như sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ KH-CN. Trong giới khoa học không có nhiều người phản đối công trình này, chỉ một số người dân chưa tiếp cận mô hình thực tế, chưa hiểu nên… dị ứng với vấn đề bảo tàng mới có ý kiến trái chiều (?!).


Ông Sáng cũng cho rằng việc so sánh nguồn vốn đầu tư cho bảo tàng với sự nghèo đói, thiếu phương tiện học tập của trẻ em nghèo vùng quê là khập khiễng. “Việc gì ra việc đó, trẻ em miền quê túng thiếu thì cần có chính sách liên quan. Việc nuôi dưỡng, phát triển đam mê khoa học, đầu tư cho tương lai cũng rất cần thiết” - ông Sáng lập luận.


Tuy nhiên, lập luận cùng những lời giải thích từ đại diện Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai không thể làm vơi bớt nỗi lo và sự hoài nghi của dư luận về số vốn khổng lồ bỏ ra cũng như chất lượng và hiệu quả của công trình này, nhất là trong thực trạng “lạm phát bảo tàng” trong cả nước thời gian qua.


Được biết, về nguồn vốn khoảng 1.400 tỉ đồng để xây dựng bảo tàng, 50% trong số đó lấy từ ngân sách, nửa còn lại sẽ áp dụng phương thức xã hội hóa. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi việc huy động vốn từ nhân dân cụ thể bằng hình thức nào và dự án có được nhận nguồn kinh phí hỗ trợ nào từ Trung ương hay không, ông Sáng nói rằng vì đề án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, nên có một số vấn đề chưa thể trả lời.


Bảo tàng nghìn tỉ nhưng… rỗng ruột


Trong khi đó, Bảo tàng Hà Nội cũng được đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vắng khách vì nội dung trưng bày tạm bợ.


Được khánh thành từ tháng 10/2010 nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Đây là công trình văn hóa nổi bật của thành phố với kiến trúc độc đáo, hiện đại, nằm gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia.


Tuy nhiên, việc khánh thành bảo tàng mới hoàn tất giai đoạn 1 của dự án, và tạm thời mở cửa trưng bày khoảng 4.000 hiện vật, phần lớn là các hiện vật cổ qua các thời đại. Do vậy, hiện Bảo tàng Hà Nội vẫn vắng khách tham quan do số lượng hiện vật trưng bày khá ít ỏi, đơn điệu.











Bảo tàng Hà Nội có vốn đầu tư 2.300 tỉ đồng nhưng mới chỉ trưng bày khoảng 4.000 hiện vật

Bảo tàng Hà Nội có vốn đầu tư 2.300 tỉ đồng nhưng mới chỉ trưng bày khoảng 4.000 hiện vật



Ông Nguyễn Tiến Đà, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, vì các hiện vật hiện nay được trưng bày tạm thời, bảo tàng không sử dụng mô hình, sa bàn tốn kém mà chủ yếu thể hiện bằng phương pháp truyền thống nên chưa thu hút du khách tham quan. Mỗi tháng, Bảo tàng này đón khoảng 6.500 khách đến xem, trong đó có khoảng 10% là khách nước ngoài. Vì chưa chính thức hoạt động nên chưa thu phí tham quan của du khách.


Việc Bảo tàng Hà Nội chậm hoàn thiện khâu trưng bày gây thất vọng cho không ít du khách tham quan muốn tìm hiểu về lịch sử thủ đô. Dù bỏ thời gian đến bảo tàng nhưng thông tin du khách thu nhận được lại quá ít ỏi và nhàm chán.


Theo GS sử học Lê Văn Lan, chúng ta hì hục xây dựng một bảo tàng chi phí hàng nghìn tỷ mà không tính đến cái ruột của nó là điều vô lý. Để bây giờ bảo tàng đã mở cửa song rất ít người đến thăm, trong khi vẫn phải có một bộ máy quản lý, bảo quản các hiện vật.


Tại Phú Yên, Bảo tàng của tỉnh cũng được xây dựng với tổng kinh phí gần 97 tỉ đồng nhưng mới đưa vào hoạt động hơn một năm thì nhiều vị trí đã bị hư hỏng.











Bảo tàng Phú Yên xuống cấp sau một thời gian ngắn đi vào sử dụng

Bảo tàng Phú Yên xuống cấp sau một thời gian ngắn đi vào sử dụng



Theo kết quả kiểm tra của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, khối nhà 3 tầng ở Bảo tàng Phú Yên có 4 vị trí bị dột từ mái và 5 vị trí thấm tường. Nguyên nhân do lỗi về mặt kỹ thuật thi công của nhà thầu và thiếu sót trong kiểm tra của đơn vị tư vấn giám sát.


Tường của bảo tàng có 4 vết nứt dài do ảnh hưởng sự lún móng không đều và co giãn về nhiệt nên gãy nứt.


Trần nhà ốp gỗ đã bị mọt ăn 4 vị trí, phần lớn cửa gỗ bị co rút, nứt nẻ; mặt tiền bảo tàng được xây dựng bằng gỗ và kính cũng bị co rút, tạo nên những khe hở, mỗi khi trời mưa, nước len vào bên trong.


Theo NLĐ, ĐVO






Tin tức xã hội online

via Tin tức Online - Xã hội - RSS Feed

http://tintuconline.com.vn/vn/thuongnhat/20130718154729514/quyet-xay-bao-tang-nghin-ti.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét