Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Thi tốt nghiệp THPT: 42/45 Sở GD-ĐT muốn rút từ 6 xuống 4 môn


"Tôi thấy rất không ổn"


Vấn đề thi tốt nghiệp THPT 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) nhận được đa số ý kiến đồng ý. Trong số 45 sở GD-ĐT được hỏi ý kiến thì có 42 sở GD-ĐT đồng ý tổ chức thi 4 môn, có 2 sở GD-ĐT cho rằng vẫn nên thi 6 mô42n.


Dự thảo mới nhất của Bộ GD-ĐT đưa ra phương án môn thi tốt nghiệp sẽ bao gồm Văn, Toán bắt buộc, 2 môn thi tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.


Vấn đề còn lại, 20% học sinh được miễn tốt nghiệp đã gây nhiều tranh luận. Ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định đồng tình với việc Bộ GD-ĐT giảm 6 môn thi tốt nghiệp xuống 4 môn. “Riêng với việc 20% học sinh được miễn thi, nếu Bộ không đưa ra các tiêu chí rõ rang sẽ rất phức tạp, chưa kể chuyện nọ chuyện kia.


Còn nhớ, trước đây, chúng ta đã từng miễn thi đại học cho những học sinh đạt giải quốc gia nhưng chỉ được một thời gian thấy không hợp lí đành phải bỏ”, ông nói.



Phương án thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn được đa số các sở GĐ-ĐT đồng thuận.


“Bộ đưa ra quy định, 3 năm học sinh giỏi và hạnh kiểm khá trở lên sẽ được miễn thi, tôi thấy không ổn. Bởi thực tế đánh giá ngay trong một trường, một tỉnh, một huyện cũng đã khác nhau. Vậy nên, chúng ta không thể vì lí do giảm bớt tốn kém mà đưa ra 20% được miễn thi tốt nghiệp”, ông nói tiếp.


Cùng quan điểm với Nam Định, ông Hoàng Minh Quân, giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, cho rằng: “Nếu tiến tới bỏ kì thi tốt nghiệp THPT, Bộ nên có chính sách miễn thi. Tuy nhiên, cần phải thêm điều kiện là 3 năm học phải đạt hạnh kiểm tốt trở lên. Tiêu chí Bộ đưa ra quá rộng.


Với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM ủng hộ chủ trương đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, theo ông, Bộ có cần phải khống chế 20% tỷ lệ miễn thi hay hơn thế hoặc ít hơn.


Ông cũng đề xuất Bộ cân nhắc kĩ các tiêu chí được miễn thi. Ví dụ, xếp loại học lực khá, đạt các giải thưởng quốc gia… Bộ không làm được những điều đó mà đưa ra các địa phương là rất khó triển khai.


"Bộ đang đẩy trách nhiệm cho Sở"


Đại diện Sở GD-ĐT Cà Mau, cho biết: “Phương án Bộ đưa ra là đẩy trách nhiệm cho các Sở. Vì chủ chương Bộ đưa ra chưa có các tiêu chí rõ ràng nên địa phương rất khó thực hiện. Theo tôi, Bộ nên ấn định cho các tỉnh, các tiêu chí để thực hiện? Ví dụ, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội có thể tỷ lệ miễn thi sẽ cao hơn nhưng Cà Mau và các tỉnh có điều kiện khó khăn có thể là 20% hoặc là thấp hơn vẫn được. Nên đưa ra tiêu chí và ấn định tỉ lệ cho các tỉnh và tỉnh cứ căn cứ vào đó thành lập Hội đồng xét tuyển. Tôi đề nghi, học sinh đạt 3 năm danh hiệu học sinh tiên tiến sẽ được miễn thi. Nếu tỉ lệ cao hơn thì sẽ lấy từ trên xuống dưới theo các tiêu chí ưu tiên.


Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế cũng nhất trí chủ trường đổi mới của Bộ. Tuy nhiên, tổ chức thi tự chọn ngay năm nay là hơi vội. Vì chúng ta thi tự chọn nhưng đang áp dụng phương thức học bắt buộc. Như vậy, sẽ rất phức tạp ngay trong học kì II của năm học này.


Tôi đưa ra một ví dụ, môn học lịch Sử, nhưng trong lớp chỉ có 10 học sinh chọn thi sử, số học sinh còn lại không tập trung và tình hình rất phức tạp. Theo tôi, áp dụng thi tự chọn ngay bây giờ cần phải cân nhắc.



Lâu nay trong các văn bản của Bộ ngoại ngữ là môn cứng. Hơn nữa, hiện đang triển khai Đề án ngoại ngữ 2010, trong đó đặt ra yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy học môn ngoại ngữ. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của đề án này là phải tìm cách thi cử, đánh giá khác để học sinh được bộc lộ năng lực nghe nói đọc viết. Chắc chắn không thể ngồi một lúc 90 phút như hiện nay mà kiểm tra được những năng lực này của 1 triệu học sinh trên cả nước.


Cuối cùng, Phó thủ tưởng Võ Đức Đam đề nghị: "Nếu đúng ra chúng ta phải xem lại hệ thông thiết kế giáo dục Việt Nam như thế nào rồi mới đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đào tạo lại giáo viên rồi mới đến đổi mới thi cử. Nhưng chúng ta không thể đổi mới tuần tự được. Bộ GD-ĐT chọn đổi mới thi cử làm khâu đột phá, đi trước một bước để đổi mới căn bản toàn diện. Quan trọng là chúng ta làm sao để không có thay đổi liên tục.


Bây giờ chúng ta đổi mới, có thể kì thi sắp tới chúng ta chưa thực hiện được nhưng năm sau thi cử đổi mới sau đó ổn định. Đừng để học sinh của chúng ta bị động, chỉ còn mấy tháng nữa vào kì thi mà bây giờ vẫn chưa biết mình thi môn gì, thi như thế nào?


Nguyên tắc của chúng ta là phải đảm bảo toàn diện và phân luồng. Nhưng phải lưu ý phổ thông phải gắn liền với kì thi ĐH, nó không thể tách rời. Càng không thể để tình trạng sau một thời gian chúng ta đổi mới, thì giáo viên bị phân hạng thành 2 hạng. Một hạng là những giáo viên được dạy các môn được thi còn một hạng là giáo viên không được dạy các môn không được thi. Như vậy, số giáo viên dạy môn không được thi sẽ không phấn đấu.


Một thực tế là con em chúng ta đang phải học rất nặng. Vậy phải đổi mới sự học nhưng chọn thi cử làm khâu đột phá. Chúng ta làm gì thì làm nhưng đừng ngại khó, ngại khổ và ngại tốn kém. Cái gì cần đổi mới phải đổi mới, cái gì không cần thiết chúng ta mạnh dạn loại bỏ và mục tiêu càng ít kì thi càng tốt".


Về vấn đề 20% học sinh phổ thông được miễn thi tốt nghiệp, Phó thủ tướng nói: “Nếu kì thi tốt nghiệp THPT là kì thi nhẹ nhàng nghiêm túc, vậy tại sao lại miễn thi. Chỉ những cháu nào “học tài thi phận”, đến ngày thi không may cháu ốm đau, tai nạn… thì mới phải xét để miễn thi, còn những học sinh bình thường tại sao lại miễn thi?


Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên tiếp thu các ý kiến của lãnh đạo các Sở GD-ĐT, của nhân dân và bàn thật kĩ để năm 2015 có một kì thi tốt nghiệp ổn định. Bộ nên thông báo chủ trường, phương thức thi sớm, ít nhất là trước khi nghỉ hè, còn chậm nhất là trước năm học mới".


Cao Hòa





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://ift.tt/1j908p6

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét