Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Đi tìm huyền thoại vó ngựa hồng trên cao nguyên trắng Bắc Hà


Thiếu nữ trên cao nguyên vắng


Bắc Hà, cùng với Si Ma Cai, là một trong hai chợ phiên lớn nhất trên cao nguyên có độ cao trung bình 1.000m so với mặt nước biển, nằm giữa hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang. Chợ nằm gọn giữa lòng thị trấn. Thị trấn nằm gọn trong lòng thung lũng, vừa vặn như một ngọn lửa ấm trên cao nguyên quanh năm phủ một màu trắng xóa, bởi cái rét, bởi sương mù, và bởi hoa mận hoa mơ vào mỗi độ xuân về.


Đời sống của các bản làng, chỉ dăm nóc nhà cheo leo nơi sườn núi hoặc khuất lấp khe sông khe suối, cứ mỗi tuần lại có dịp trôi chảy về chợ phiên đông vui với tất cả sự chờ đợi háo hức, như thể bù đắp cho những ngày côi cút, bị lãng quên nơi xa vắng. Tôi nhìn thấy một niềm vui như vậy trong ánh mắt của cô gái người Hmông Sùng Thị Lý.


Đi tìm huyền thoại vó ngựa hồng trên cao nguyên trắng Bắc Hà - Ảnh 1


Vàng Văn Quyết và con ngựa anh thuần, mua được ở Si Ma Cai.

Tôi gặp Lý đứng cùng vài người bạn ở khu ngã ba trung tâm thị trấn dẫn lối vào chợ. Cô gái 16 tuổi nổi bật trong chiếc váy hoa văn đỏ hoà với ngọn đèn vàng. Khoanh tay vào lòng giữ ấm, cô niềm nở những người khách lạ hỏi han dăm ba câu chuyện địa phương. Lý sống ở Bản Cái, xã xa nhất của huyện Bắc Hà.


Để kịp tới thị trấn vào tối thứ bảy, Lý phải rời nhà sau bữa cơm trưa và đi bộ gần 20km theo con đường mòn chênh vênh trên những ngọn đồi. Giống như tôi và dăm du khách Tây tụ tập khu ngã ba, cô tới sớm và ngủ lại nhà người quen để chờ đợi phiên chợ sáng mai. Những gì cô muốn mua chẳng nhiều nhặn, cái kẹp và vài thứ mắm muối. Thấy cá nhân được kết nối với cộng đồng có lẽ là điều quan trọng hơn với Lý, khi mà những cuộc thăm hỏi, gặp gỡ bù đắp cho cô những ngày cô tịch nơi thôn vắng.


Nhưng đời sống đơn giản nơi xa vắng ấy, dưới bước chân của những người khách lạ, lại là cả một thế giới của những điều bí mật còn ẩn giấu. Vào gần khuya, lúc những vó ngựa gõ lọc cọc vào bản hòa âm tiếng người, tiếng xe, tiếng karaoke khẽ vọng vào dãy buồng khách sạn, trong cơn mơ màng ngái ngủ, tôi giật mình nhận ra những điều còn ẩn giấu như vậy đang mời gọi tôi bước tiếp.


Vó ngựa hồng và “kỵ sĩ” dép lê


Tất cả vỡ òa trong mắt du khách vào buổi sáng hôm sau. Trong làn sương sớm mờ đục, thị trấn rẻo cao ngày thường đầy bụi và ố màu, bỗng bừng lên những sắc rực rỡ của trang phục, những chiếc dù, hàng trăm thứ sản vật, hàng hoá đổ tràn ra trong khu chợ và những con phố xung quanh. Và trăm tiếng lọc cọc đi vào giấc ngủ của tôi đêm hôm trước đã có lời giải ở hình ảnh hàng chục con ngựa như hình ảnh thu nhỏ của những con lạc đà trên con đường tơ lụa đi qua những nền văn minh.


Những con ngựa không quá to lớn nhưng chắc đậm và đỏ sậm hơn màu đất mà chúng cào vô trước khi tung vó. Chúng gồng gánh tất cả những gì mà người dân cần trao đổi, đi từ bản làng tới chợ phiên và ngược lại, trên những con đường mòn cheo leo mà những phương tiện từ tới trâu bò cho tới cơ giới ở miền xuôi cũng đành thúc thủ. Tôi bỗng thấy trước mắt mình, cao nguyên trắng còn hiện ra như một xứ ngựa độc đáo trên rẻo cao, xoá đi mặc kiến xứ ngựa phải ở trên những vùng thảo nguyên hay hoang mạc kiểu viễn tây nước Mỹ xưa.


Đi tìm huyền thoại vó ngựa hồng trên cao nguyên trắng Bắc Hà - Ảnh 2


Hai anh em Vàng Văn Cương, Vàng Văn Quyết.

Chuyện kể rằng, ngày xưa vua Mèo Hoàng A Tưởng, người có dinh thự lớn ngay trung tâm thị trấn, nay đã thành một di tích được bảo tồn, vẫn thường tuyển những con ngựa chiến tốt nhất làm món đồ biếu tặng hiếu hỉ, ngoại giao với những vua Mèo, vua Thái ở Hà Giang hay Lai Châu. Bây giờ vẫn còn một bãi chợ ngựa nằm ngay bên hông chợ phiên dành cho những ai muốn trao đổi, mua bán tư liệu sản xuất đắt giá nhất trong bất cứ ngôi nhà nào trên cao nguyên trắng hôm nay. Riêng những con ngựa ốm yếu, già nua thì có chỗ trong những nồi thắng cố bốc khói nghi ngút mời gọi, cuộn vào những tiếng hí vang lên ngay đầu chợ, chỗ những con ngựa thồ đợi sẵn làm dịch vụ chuyên chở.


Vàng Văn Quyết đứng bên con ngựa thồ của mình khoe với tôi. Anh chàng 27 tuổi người Tày sinh ra đã theo bố sống trên lưng ngựa đi khắp vùng cao nguyên. Nhìn những con ngựa Bắc Hà chẳng con nào được đóng yên, tôi hỏi anh làm thế nào để cưỡi được chúng, ông bố trẻ của hai đứa con chỉ cười, rồi nói thay cho lời giải thích: “Hồi bé mình nhìn bố cưỡi thế nào rồi học theo thế ấy thôi”. Nhìn kỹ, các “kỵ sĩ” dép lê dễ dàng cầm lấy dây cương điều khiển, ngồi đúng vào điểm lõm gần vai ngựa, hai chân kẹp chặt vào bụng ngựa và nhấp nhô lên xuống theo nhịp phi của ngựa.


Quyết và những người anh em trong họ của mình cũng từng là một chú bé trên lưng ngựa như vậy. Thấp bé, nhanh nhẹn, chính xác và một chút liều lĩnh, họ luôn là những người chiếm hầu hết giải tại cuộc thi đua ngựa do huyện Bắc Hà tổ chức vào tháng sáu hàng năm. Còn nhớ cuộc thi vừa qua, người anh song sinh của Quyết là Vàng Văn Cương gần như đã rớt khỏi lưng ngựa, thoát nạn chỉ nhờ hai chân vẫn còn đu bám quyết liệt vào cổ ngựa cho tới khi về đích.


Nhà ở bản Na Áng, xã Na Hối, cách thị trấn chừng 4km, hai anh em Cương và Quyết khét tiếng là những tay biết nhìn ngựa tốt và có khả năng thuần ngựa. Quyết kể chuyện cách nay mấy tháng, một người quen trên Si Ma Cai phải chạy xuống nhờ thuần giúp con ngựa chứng. Hai anh em nhận lời lên xem ngựa. Nhìn ngay con ngựa ngực rộng, chân thẳng, khớp ngắn, vóc dáng đậm đà, cả hai biết ngay mình đang gặp ngựa tốt.



Cao nguyên Bắc Hà trong sắc màu sặc sỡ.

Kỹ nghệ thuần ngựa


“Lần đầu sờ nó, phải xem nó phản ứng thế nào. Ngựa chỉ thuần được khi mình hiểu tâm tính của nó, không thể dùng roi vọt mà xong”, Cương kể lại kinh nghiệm thuần ngựa của mình. Biết được con ngựa cần thuần thích ăn ngô hơn cỏ voi (một loài cỏ lau phổ biến trên vùng Tây Bắc dùng cho ngựa ăn), Cương dùng ngô như một phần thưởng khi con ngựa biết nghe lời.


Những phát hiện nho nhỏ như vậy giúp hai anh em thuần được con ngựa chỉ sau hai tuần. Đó cũng là khoảng thời gian cả hai kết luôn con ngựa và quyết định ăn dầm nằm dề thêm hai tháng ở Si Ma Cai để thuyết phục mua lại với giá 25 triệu đồng. Có được ngựa chiến, Cương và Quyết hy vọng sẽ lại thắng cuộc đua năm sau để có phần thưởng sắm cái truyền hình và dựng nhà kho bên hông.


Một cao nguyên như vậy rất có thể sẽ chỉ còn trong ký ức khi vó ngựa dần nhường bước cho vòng lăn xe máy đang in dấu ngày một nhiều hơn nơi những bản làng nay đã có của ăn của để. Chợ phiên cũng sẽ nhạt màu hơn khi đường sá sẽ ngày một rộng mở, đưa hàng hóa vào từng thôn bản. Những thay đổi khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn cho đồng bào trên cao nguyên trắng, nhưng niềm vui đôi khi không tránh khỏi chút dư vị bùi ngùi còn vương vấn, khi tôi rời cao nguyên trắng và bắt gặp cành đào đầu tiên đã nở trên đường đi vào ngày đầu tiên của tháng 12.


Trần Quyết





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://ift.tt/1bsqBwf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét