Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự : 'Cha đẻ" ý tưởng nói gì?


Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban QPAN của Quốc hội - “Cha đẻ” ý tưởng nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự nói gì về đề xuất gây nhiều tranh cãi này?

Bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 25/11, “cha đẻ” ý tưởng nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự - Trung tướng Trần Đình Nhã- Phó Chủ nhiệm Ủy ban QPAN của Quốc hội chia sẻ với phóng viên về giải pháp hiện còn nhiều ý kiến khác nhau này.


- Dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau với ý tưởng có thể dùng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự ông đưa ra. Liệu quy định như vậy có đảm bảo được sự công bằng trong xã hội, đặc biệt giữa gia đình nghèo với những người giàu có?











Trung tướng Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm UBQPAN trao đổi với phóng viên chiều 25/11. (Ảnh Nguyễn Dũng)

Trung tướng Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm UBQPAN trao đổi với phóng viên chiều 25/11. (Ảnh Nguyễn Dũng)



Vấn đề là có tổ chức làm được việc này hay không? Ở nước ngoài người ta có thể làm công ích hay làm một việc gì đó để chia sẻ, vì đó là nhiệm vụ chung.

Tôi đi tiếp xúc cử tri, nhiều người cũng phản ánh, nhà ông bà bên cạnh cho con em họ đi buôn, đi học, không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong khi con cái họ thì phải đi.


Bây giờ mình phải đặt ở cương vị của người tham gia và không tham gia nghĩa vụ. Nghĩa vụ là nghĩa vụ chung. Nhưng con em người khác đi làm nghĩa vụ quân sự, còn con em mình lại không thì có ăn năn gì không?



- Vậy qua nghiên cứu ông thấy các nước có áp dụng hình thức này nhiều không?


Người ta áp dụng bằng nhiều hình thức. Các nước người ta không gọi là nghĩa vụ quân sự mà là lính chuyên nghiệp. Họ được trả lương hẳn hoi và gia đình phải ký hợp đồng mới được.


Còn chúng ta xây dựng quân đội dựa trên nghĩa vụ quân sự. Vậy anh phải hiểu xem nghĩa vụ quân sự nó là cái gì?


Thứ hai, đừng đánh đồng việc thực hiện nghĩa vụ quân sự với việc tổng động viên khi đất nước có chiến tranh. Hai việc này khác nhau. Lúc có chiến tranh thì chẳng phân biệt tuổi tác gì, ai cũng phải đi, không đi bị siết quân luật ngay, ra tòa án binh ngay.











 Trung tướng Trần Đình Nhã đặt vấn đề: Làm thế nào để tạo ra sự công bằng cho những người không phải bỏ xương máu với những người phải bỏ xương máu ra?. (Ảnh IT)

Trung tướng Trần Đình Nhã đặt vấn đề: Làm thế nào để tạo ra sự công bằng cho những người không phải bỏ xương máu với những người phải bỏ xương máu ra?. (Ảnh IT)



- Cũng có ý kiến của ĐBQH trong ngành quân đội cho rằng: “Đã là xương máu thì không thể đổi bằng tiền được”. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Đúng là xương máu thì không thể đổi thành tiền được. Nhưng làm thế nào để tạo ra sự công bằng cho những người không phải bỏ xương máu với những người phải bỏ xương máu ra? Mà nghĩa vụ là nghĩa vụ chung. Anh phải xem những gia đình có con đi bộ đội người ta nghĩ thế nào?!



- Phải chăng việc thực hiện nghĩa vụ hiện nay cũng đang có những tiêu cực?


Tôi chưa nói đến tiêu cực. Nhưng tôi nói giờ mỗi năm có 1 triệu thanh niên đúng tổi phải đi làm nhiệm vụ nghĩa vụ quân sự, nhưng lại chỉ đi được mấy vạn. Vậy số người còn lại người ta nghĩ thế nào? Sự công bằng ở đâu? Anh giỏi thì tìm lời giải đi.



- Ở nước ngoài, ngoài việc dùng tiền người ta có thể thực hiện những nhiệm vụ nào khác để thay thế?


Người ta có thể thực hiện những nhiệm vụ công ích, phục vụ không công và có tổ chức, chẳng hạn như đi quét đường. Hiến pháp chúng ta đã bỏ lao động công ích nhưng nhiều nước vẫn thực hiện.


- Người ta cũng đặt ra giả thiết nếu quy định như vậy thì sau này sẽ còn mấy ai gia nhập quân đội? Khi đưa ra ý tưởng trên, ông có lo ngại việc này không?


Thế nên giải pháp trên mới phải suy nghĩ. Vì nghĩa vụ quân sự là phức tạp, nên phải nghiên cứu làm thế nào để thực hiện việc thay thế đảm bảo được công bằng.


Tôi chưa nói đến công bằng xương máu mà tôi nói anh làm thế nào để đảm bảo sự công bằng giữa các gia đình có người đi bộ đội và gia đình khác không phải đi.


Anh tìm cho tôi một hình thức công bằng đi? Anh nghĩ giải pháp đi? Chúng ta đừng nghĩ gia đình có con em đi bộ đội người ta không nói gì, khi con người khác vào Đại học, còn con em họ lại phải đi nghĩa vụ quân sự hai, ba năm.


- Khi đưa ra ý tưởng này, ông có thực hiện thăm dò dư luận không? Nếu có thì những ý kiến về việc này như thế nào?


Thực ra đây mới chỉ là ý tưởng thôi, đã bàn đâu, đã xây dựng luật nghĩa vụ quân sự đâu.



- Ý tưởng này muốn triển khai thì phải dựa vào Hiến pháp. Nhưng bây giờ Hiến pháp đã không đề cập nữa. Vậy ý tưởng này có khả năng thực hiện không?


Cái này anh Phan Trung Lý (Phó Chủ tịch Quốc hội - PV) đã giải thích rồi. Khi ý tưởng này đưa ra sẽ xem xét tại Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi.



- Xin cảm ơn ông!




















 Trung Tướng Trần Văn Độ. (Ảnh Nguyễn Dũng)

Trung Tướng Trần Văn Độ. (Ảnh Nguyễn Dũng)





ĐBQH - Trung tướng Trần Văn Độ:

Nghĩa vụ đầu tiên vẫn phải là bảo vệ tổ quốc


Tôi ủng hộ ngay từ đầu giải pháp này. Thời đại này không bao giờ đến độ tuổi mà phải đi nghĩa vụ quân sự hết cả. Nhưng đừng có đặt vấn đề lựa chọn anh có tiền, anh nộp thì không phải đi. Hiểu như thế là chưa đúng.

Hiện chỉ 5% người đi nghĩa vụ quân sự thôi, còn 95% khác thì không làm gì à? Anh không đi nghĩa vụ quân sự được, thì anh phải có nghĩa vụ thay thế ở phía sau. Nhưng nghĩa vụ đầu tiên vẫn phải là nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc.


Hai cái đều là nghĩa vụ chứ không nên đặt vấn đề công dân có quyền lựa chọn một trong hai nghĩa vụ, mà trước hết phải là nghĩa vụ quân sự, xây dựng quân đội chính quy trong thời hiện đại.


Để đảm bảo công bằng thì anh phải thực hiện nghĩa vụ thay thế khác. Hoặc lao động công ích, cũng có thể đóng góp bằng tiền, để xây dựng, đầu tư cho nền quốc phòng toàn dân.


Một số nước như Hàn Quốc, Nga người ta vẫn thực hiện nghĩa vụ thay thế. Chiến tranh chúng ta ngày xưa có dân quân hỏa tuyến, có thanh niên xung phong… Bây giờ cũng thế, và mục đích vẫn là bảo vệ tổ quốc.







Theo Infonet




Tin tức xã hội online

via Tin tức Online - Xã hội - RSS Feed

http://tintuconline.com.vn/vn/thuongnhat/201311260924582458/dong-tien-thay-nghia-vu-quan-su-cha-de-y-tuong-noi-gi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét