Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Khu mộ Đại tướng được bảo vệ trước bão như thế nào?


Khu mộ Đại tướng được bảo vệ nghiêm cẩn


Sáng 15/10, người dân từ nhiều nơi trong nước vẫn tiếp tục đến khu vực vũng Chùa - đảo Yến để viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoàn người lặng lẽ đứng phía dưới bãi đỗ xe ngước nhìn lên triền đồi đầy ắp hoa tươi dẫn lên nơi an táng Đại tướng, chờ đến lượt lên viếng.



Từ chiều 14/10, gia đình và bộ phận phục vụ ở khu mộ đã làm mái bạt che trên mộ Đại tướng nên dù mưa cũng không thể làm ướt phần mộ. Lực lượng bộ đội biên phòng Quảng Bình vẫn túc trực trang nghiêm bên mộ Đại tướng và làm nhiệm vụ hướng dẫn khách đến thăm viếng Đại tướng, cũng như điều phối xe ở bãi đỗ. Đại tá Phạm Xuân Diệu, phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình, cho biết công tác bảo vệ khu vực an táng Đại tướng vẫn tiếp tục được duy trì với tinh thần nghiêm cẩn.Tại khu vực mộ phần Đại tướng luôn có một tiểu đội của đồn biên phòng Roòn canh gác 24/24 giờ cùng với người của gia đình Đại tướng. Theo chỉ đạo của đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, lực lượng biên phòng Quảng Bình tiếp tục tổ chức lực lượng với 31 cán bộ, chiến sĩ dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình bảo vệ an toàn tuyệt đối khu vực mộ phần và lân cận.


Hình ảnh: Dòng người đội mưa viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày mở cửa mộ



Buổi sáng, gia đình Đại tướng làm lễ cúng hương hồn Đại tướng theo phong tục của người Việt Nam (còn gọi là ngày mở cửa mộ).


Trời nổi gió rất mạnh và mưa từng đợt do ảnh hưởng của cơn bão số 11. Biển Vũng Chùa trước mặt khu mộ ập mạnh sóng vào bờ và tung cao vào đảo Yến.


Mộ Đại tướng được che mái tránh mưa từ chiều 14/10. Bà Trần Thị Vân, 69 tuổi ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, cùng chị em bạn bè thuê một chuyến ôtô vào viếng Đại tướng. Bà Vân cho biết: "Hôm đưa tiễn cụ tôi không vào Quảng Bình được, vì sợ sức yếu đi trong đoàn người đông đúc mãi sẽ không ổn".




Một góc khu mộ Đại tướng ngày 15/10


Người dân từ khắp nơi vẫn tìm về Vũng Chùa. Mọi người lặng lẽ đứng phía dưới bãi đỗ xe ngước nhìn lên triền đồi đầy hoa tươi dẫn lên nơi an táng Đại tướng. Họ chờ gia đình Đại tướng thực hiện xong lễ cúng để được phép lên viếng. Nhiều thanh niên nam nữ đi xe máy tới ngồi đợi giờ viếng trước bãi đỗ xe. Mưa, họ mang áo mưa vào ngồi đợi. Không một ai tỏ ra nóng ruột chút nào.


Giám đốc Đài khí tượng Quảng Bình Ngô Hải Dương cho biết, lúc 5h sáng nay, gió mạnh nhất ở khu vực Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình) giật đến cấp 8, còn các khu vực khác chỉ cấp 5-cấp 6. Đối với khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (huyện Quảng Trạch), nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo ông Dương, đây là khu vực khuất gió, nơi mà trước đây ngư dân thường vào tránh bão. Do vậy, khu vực này rất an toàn.


“Ngay cả trong bão số 10 vừa qua, gió giật đến cấp 13, cấp 14 nhưng khu vực này không hề có cây nào bị gẫy đổ. Vì vậy, cơn bão số 11 này chắc chắn sẽ không ảnh hưởng gì đến nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, ông Dương khẳng định.









GS Phan Huy Lê (chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN): Bảo tồn nhà 30 Hoàng Diệu


Mặc nhiên, tôi cho rằng nên giữ ngôi nhà 30 Hoàng Diệu làm nhà lưu niệm để tiến tới làm Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi vì nơi đây bảo tồn nguyên vẹn dấu tích về cuộc sống của Đại tướng chứ không chỉ là những kỷ vật, hình ảnh. Trong ngôi nhà còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị gắn liền với cuộc đời Đại tướng, ngoài ra còn có các kỷ vật do bạn bè nước ngoài tặng Đại tướng. Đây cũng là ngôi nhà có kiến trúc đặc biệt, phía dưới có hầm kiên cố mà Đại tướng sử dụng để làm việc trong những năm chiến tranh ác liệt. Tôi cho rằng ngôi nhà 30 Hoàng Diệu rất cần thiết phải được bảo tồn nguyên vẹn.


Dĩ nhiên công việc này không hề đơn giản. Các cơ quan nhà nước có liên quan và cả gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cần phải có kế hoạch, phối hợp với nhau để thẩm định trước khi thực hiện ý tưởng. Nếu muốn xây dựng Bảo tàng Võ Nguyên Giáp trước hết phải làm được hai việc. Thứ nhất là bảo tồn nguyên vẹn những gì hiện có trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Thứ hai là phải thu thập thật nhiều hiện vật từ bên ngoài để bổ sung vào. Riêng Hội Khoa học lịch sử VN cũng sẵn sàng đóng góp xây dựng Bảo tàng Võ Nguyên Giáp.



Linh Lee (tổng hợp)





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://www.nguoiduatin.vn/khu-mo-dai-tuong-duoc-bao-ve-truoc-bao-nhu-the-nao-a109154.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét