Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Hồi ức về người con gái cứu 400 cán bộ chiến sỹ


Người con của vùng đất anh hùng


"Đường cách mạng sáng tươi rực rõ/Gương anh hùng chói lọi miền Nam... Chị ơi tuôn giọt máu hồng/Máu thù quyết trả non sông sử vàng...". Những câu thơ tuy ngắn ngủi nhưng chất chứa cả lòng biết ơn của đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam, của những người may mắn thoát khỏi vòng vây giặc trong trận càn ngày 23/2/1965 tại địa đạo Bình Túy. Bài thơ do ông Nguyễn Xuân Nho, một nhà thơ không chuyên, nguyên cán bộ thông tin huyện Thăng Bình ứng tác. Bài thơ dài đến hơn 80 câu, ông Nho vì quá xúc động trước tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ Trương Thị Xáng (ngụ thôn Bình Túy, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã ứng tác ngay khi nghe tin chị hy sinh, đến nay vẫn được lưu truyền rộng rãi ở mảnh đất này.


Tấm gương hy sinh thân mình để cứu gần 400 cán bộ chiến sỹ, du kích địa phương đang nằm vùng chiến đấu vì hòa bình độc lập dân tộc đã thôi thúc chúng tôi vượt qua quãng đường dài còn nhiều gập ghềnh sỏi đá để tìm về với chị, với mảnh đất anh hùng này.



Chân dung liệt sỹ Trương Thị Xáng.


Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc vẫn còn thơm mùi sơn, ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Giang vui vẻ cho biết: "Trong chiến tranh, Bình Giang là mảnh đất hứng chịu nhiều đau thương. Mảnh đất này đã từng chứng kiến nhiều trận càn khốc liệt, những cơn mưa bom mà giặc Mỹ trút vùng đất nghèo này. Thế nhưng trước sự khốc liệt của chiến tranh những người con của mảnh đất này càng trở nên kiên cường hơn. Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa phương được Đảng và Chủ tịch nước phong tặng xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bình Giang sản sinh ra rất nhiều người con anh hùng mà trong những trang sử hào hùng những cái tên: Liệt sỹ Bùi Thị Huỳnh, liệt sỹ Võ Đông (Võ Tá), liệt sỹ Phan Gia (Phan Giáo), liệt sỹ Trương Thị Xáng... không chỉ được xướng lên một lần.


Đã gần 50 năm trôi qua từ ngày chị Xáng hy sinh những câu chuyện về cuộc đời chị vẫn còn sống động như chuyện mới xảy ra hôm qua, trong ký ức của người thân, nhân chứng trong trận càn, và những người dân thôn Bình Túy.


Hy sinh anh dũng khi chưa tròn 18 tuổi








Nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang

Ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết: "Sau nhiều lần bị quân khu V trả lại hồ sơ, năm 2012 liệt sỹ Trương Thị Xáng cũng được công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hiện chúng tôi cùng với phòng văn hóa thông tin huyện đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận di tích lịch sử đối với địa đạo Bình Túy".



Đưa chúng tôi ra thắp hương cho chị Xáng ở tượng đài do em trai của chị, ông Trương Hoàng Lâm (SN 1954) dựng trong sân nhà mình ngay gần chỗ chị Xáng hy sinh ngày trước để con cháu có chỗ để thắp hương tưởng nhớ chị. Trầm ngâm một chút, ông Lâm kể: "Năm 1997, hơn 30 năm sau ngày chị Ba Xáng hy sinh, bố mẹ tôi có tâm nguyện là muốn dựng một cái bàn thờ nhỏ trước nhà cho chị. Sau nhiều năm đắn đo suy nghĩ cuối cùng, tôi dựng một chiếc tượng đài nhỏ ngay trong khuôn viên gia đình. Đứng trước tượng đài, ta sẽ thấy một búp măng non được nhân cách hóa, vừa thể hiện khát vọng tự do, độc lập của người con gái đã hy sinh thân mình cho lý tưởng chung khi tuổi đời còn rất trẻ. Phía sau của tượng đài mang hình bóng của một chiếc thuyền thúng nhằm hình tượng hóa công việc của một người giao liên như những con đò đưa khách qua sông, chị là cầu nối đưa cán bộ chiến sỹ, đưa Đảng, Bác Hồ lý tưởng cộng sản về với nhân dân Bình Túy".


Nén nhang thắp cho chị chưa kịp cháy hết thì ông Trần Hẵn, người xã đội phó - phụ trách công binh năm xưa, một trong số những nhân chứng hiếm hoi chứng kiến trận càn ngày 23/2/1965 hiện vẫn còn sống cũng qua thắp hương cho chị. Ông Hẵn nhớ lại, những năm 1963-1964 Bình Giang là nơi bị địch càn quét ác liệt nhất vùng đông huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Để đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sỹ có thể chiến đấu lâu dài, người dân thôn Bình Túy có sáng kiến đào một địa đạo dài khoảng hơn 3km, nằm sâu dưới lòng đất để nuôi giấu cán bộ khi địch tổ chức càn quét. Ngày 23/2/1965, khi được mật thám báo trước, chúng đã tổ chức 3 tiểu đoàn chính quy, 1 tiểu đoàn vũ khí cùng nhiều khí tài hiện đại tổ chức càn quét. Vì muốn bắt sống toàn bộ lực lượng của ta vừa tránh thương vong, nên một mặt chúng kêu gọi ta đầu hàng, một mặt vừa dùng vũ lực để bắt nhân dân ta mở miệng hầm.


Trong tình thế nguy hiểm như vậy, chị Xáng đứng ra vừa tổ chức cho bà con nhân dân ta hoãn binh, không cho địch mở được miệng hầm. Mặt khác, chị vừa tổ chức vận động ngụy quân vừa tổ chức cho mọi người dưới hầm mở cửa thoát hiểm. Khi mọi người đã lên mặt đất, thoát khỏi vòng vây của địch, chị quay lại đón hai người lính ngụy có cảm tình với cách mạng. Giây phút chị quay lại, hàng chục họng súng đồng loạt nổ. Chiếc áo nâu của chị thấm đỏ máu, chị ngã xuống khi tuổi đời chưa tròn mười tám ngay trong vườn nhà.



Ông Trương Hoàng Lâm bồi hồi trước chân dung chị Xáng.


Lời nguyện ước dang dở


Dẫn chúng tôi ra miệng địa đạo ngày xưa cũng là nơi chị Xáng hy sinh, hai người đàn ông đã trải qua hết mọi hỉ nộ ái ố của cuộc đời lại lã chã nước mắt. Ông Hẵn cho biết: "Xáng sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, lúc còn nhỏ khi cha và chú tập kết ra Bắc, cô vừa giúp mẹ trông em, vừa làm công tác cảnh giới để ông nội cùng với mẹ đào hầm bí mật nuôi cán bộ". 13 tuổi, Xáng đã là cô giao liên mưu trí, dũng cảm thông thạo địa hình, các điểm chốt của địch. Lực lượng bộ đội chủ lực khi về vùng đông Thăng Bình đều chọn Xáng làm người dẫn đường cho đơn vị mình. Chiến sự ác liệt, Xáng được chọn làm tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân du kích nữ xã Bình Giàng. Ông Hẵn cho biết: "Xáng hy sinh khi đang chờ đủ 18 tuổi để làm thủ tục kết nạp Đảng". Chị hy sinh để lại lời nguyện ước: "Em sẽ chờ anh đến ngày đất nước thống nhất", khi tiễn chồng là liệt sỹ Nguyễn Anh lên đường nhập ngũ.


Theo ông Lâm, chị Xáng và anh Anh cùng sinh ra trong gia đình gia giáo, có truyền thống cách mạng. Cuộc hôn nhân của anh chị bắt nguồn từ lời hứa kết giao giữa những người cha có chung lý tưởng. Ngày đó, anh chị là một cặp thanh mai trúc mã của địa phương, khi chị không chỉ giỏi giang mà còn xinh đẹp nhất làng, được nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng chị một lòng một dạ với người con trai vạm vỡ, tài giỏi hết mực yêu thương. Anh Nguyễn Anh đã chết lặng khi nhận được tin chị hy sinh khi đang mang trong mình đứa con đang thành hình của anh chị.


Về thôn Bình Túy hôm nay, chúng tôi không chỉ còn thấy sự đau thương đang hiện diện, mà ở đó trong lòng những người ở lại còn đang đau đáu chờ ngày địa đạo Bình Túy được phục dựng.


Nguyễn Cường





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://www.nguoiduatin.vn/hoi-uc-ve-nguoi-con-gai-cuu-400-can-bo-chien-sy-a105544.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét