Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ ngàn thu: Người ra đi, đoàn kết và nghĩa tình ... ở lại


Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng thiên tài, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng của lòng dân Việt Nam, bắt đầu từ 7h30 ngày 12/10/2013. Thế nhưng, 5h, các ngả đường xung quanh khu vực nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Hội đã được ban tổ chức tang lễ sắp xếp rất gọn gàng. Thanh niên tình nguyện đứng hai bên đường và đặc biệt là chẳng có quán hàng nào mở bán cả. Người dân ở mọi miền Tổ quốc về khu vực này bắt đầu đông dần nhưng đi và đến theo một trật tự hình như từ tiềm thức. Họ chẳng nói chuyện, cứ âm thầm nhìn nhau và cùng chia sẻ nỗi đau mất mát.


Chẳng có lý do nhưng lại ngàn vạn lý do


7h30 sáng ngày 12/10, không nhiều người dân vào được đến vườn hoa Pasteur, vườn hoa chỉ cách cổng nhà tang lễ có vài bước chân. Phần lớn người có mặt ở đây là những người của các gia đình xung quanh khu đường đảm bảo an ninh trật tự cho lễ viếng. Cũng có người từ xa đến, song những người này phải đi từ nửa đêm, thậm chí là tờ mờ tối hôm trước để đi bộ vào được vườn hoa, nhìn màn hình rộng được truyền từ nhà tang lễ ra. Họ khóc, im lặng, đau buồn...


Người đàn ông mặc bộ véc đen, đã hơn 80 tuổi, tên là Nguyễn Văn Thảo, đi lại ở khu vực vườn hoa, chẳng cho cánh PV chụp hình, cũng rất kiệm lời, bảo rằng, tôi sinh năm 30, là lính sư 308, lính của Đại tướng. Tôi đến từ 4h sáng. Tôi chờ để được vào viếng. Thế rồi, ông đi lại, nước mắt rơi mà không nói thêm điều gì. Hai người phụ nữ, một người niệm Phật, một người đọc kinh, ngồi dưới màn hình truyền trực tiếp, bên những cây cỏ nói: Sáng mai Đại tướng về với đất Mẹ rồi..., rời xa Hà Nội rồi...


Vì nhiều lý do khác nhau, sáng ngày tổ chức lễ viếng, cánh PV cũng chỉ được vào trong cổng số 5 theo giờ, ngoài giờ quy định, có thẻ cũng không vào được. An ninh ở khu vực này được thắt chặt nghiêm ngặt tới mức... “phải thế”, theo một vị cán bộ công an làm nhiệm vụ ở mục tiêu này nói. Một vị trong ban tang lễ nói với PV: Lãnh đạo Nhà nước nói rằng, phương án thực hiện an ninh trật tự lễ tang do Hà Nội lên kế hoạch, tổ chức thực hiện có thể chuyển thành đề án cấp Nhà nước, thành đề án làm luận văn tiến sỹ. An ninh chặt chẽ như thế nhưng, lòng người thì lại rộng mở, bao la nghĩa tình. Đứng quan sát ở ngay cổng nhà tang lễ, chúng tôi phát hiện, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, mặc quân phục, đi vào viếng với 3 đoàn khác nhau (đoàn các tướng lĩnh của bộ Quốc phòng, đoàn Cựu chiến binh và đoàn gia đình). Dáng vẻ mệt mỏi, lưng áo quân phục ướt đẫm mồ hôi, ông vẫn đi rất nhanh, gọi đồng đội với tiếng gọi dứt khoát. Người ta sợ ông mệt, cảnh vệ đi cạnh, ông bảo rằng, “không cần phải thế. Hôm nay ông thấy khoẻ hơn mọi ngày”.



Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ ngàn thu: Người ra đi, đoàn kết và nghĩa tình ... ở lại.


Người đàn ông hơn 70 tuổi, vừa nói, vừa thở nhẹ, hỏi: “Cháu ơi, báo chí, ti vi bảo hôm nay (ngày 12/10) truyền hình trực tiếp, ông ở nhà bật các kênh, chẳng thấy đâu, thuê xe ôm đưa đến Lý Thường Kiệt, đi bộ vào đây. Thế viếng lâu chưa, đoàn quốc tế đến nhiều không?” Miệng nói, người đứng dựa vào gốc cây dừa to, mắt ông hướng lên màn hình. 2phút sau, nước mắt rơi, ông chẳng nói gì thêm nữa.


Người cựu chiến binh nữ tên Kim Loan ở xã Kim Chanh, huyện Ứng Hoà, Hà Nội đi cùng chị gái và cháu nhỏ, là người có mặt ở vườn hoa Pasteur trong top đầu phân trần: “Tôi là thanh niên xung phong, cùng chị gái đến đây để xin vào viếng. Cảnh vệ không cho vào, tôi chờ đến bao giờ được vào viếng thì thôi”. Đứa cháu ngơ ngác, không biết vì sao hai bà lại khóc.


Nhóm hai của báo vào trong cổng số 5 Trần Thánh Tông bằng thẻ Ban Tổ chức tang lễ – Phục vụ. Tại đây, chúng tôi gặp lại anh Lê Văn Hải, người phục vụ, làm việc trong văn phòng Đại tướng đã hơn 20 năm. Nhìn anh mệt mỏi, chỉ có đôi mắt là sáng và bước đi vẫn nhanh nhẹn. Anh bảo, 10 ngày nay chỉ ngủ 2h/ngày mà không thấy mệt. Cứ hết ở 30 Hoàng Diệu lại chạy vào viện, vào nhà tang lễ để cùng gia đình, ban tổ chức tang lễ chuẩn bị. Cuộc nói chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại liên tục của anh. Tôi hỏi: “Đại tướng “về quê rồi”, anh định thế nào?” Anh Hải thẳng thắn với giọng bình thản: “Hoàn thiện nốt một số việc đang dang dở, sau đó về hưu là vừa”. “Sao thế?” Anh bảo: “Mấy hôm vừa rồi, cứ không có người, không ai nhìn thấy là cán bộ văn phòng, bác sỹ, trợ lý nhìn nhau, ôm nhau khóc. Thấy thế là không ổn, vì tôn kính, trân trọng hãy để trong lòng, chúng tôi bảo nhau kiềm chế cảm xúc...”


Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu đi lại khá khó khăn, ông hoà vào đoàn người vào viếng Đại tướng rất nhanh khi thấy PV phát hiện ra. PGS.TS Phạm Xanh, người quê Quảng Bình cùng gia đình đến viếng Đại tướng cứ lặng lẽ, dù cánh PV phát hiện và “quây” ông để hỏi. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Văn Thuyết... cũng hoà vào dòng người viếng Đại tướng mà không để cho cánh PV có thời gian khai thác. Các giáo sư, viện sỹ đã kính cẩn, nghiêng mình trước linh cữu Đại tướng. Viếng xong, họ đi ra phía ngoài, mặt ai cũng tái, cũng thất thần.


Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mười, sư đoàn Vinh Quang, ở Nghệ An được vào viếng Đại tướng. Ông kể: “Tôi ra Hà Nội từ 4 hôm rồi, ở nhà trọ, quyết vào viếng Đại tướng bằng được. Ông đọc bài thơ mình sáng tác, tặng Đại tướng nhân dịp ngày sinh lần thứ 102, với giọng hào sảng: “Chúc mừng Anh cả đại trường xuân/Quân lệnh như sơn, tướng xuất thần/Đảng, Bác dẫn đường đi cứu nước/Giương cao cờ giải phóng nhân dân/...Thành đồng đất mẹ giục lòng người/Thần tốc quân hành rung chuyển trời/Đại thắng mùa Xuân Hồng Lạc thắm/Việt Nam thống nhất rạng muôn đời...”.


Buổi chiều của ngày lễ viếng, vợ cố luật sư Phan Anh, vị luật sư đầu tiên của Việt Nam, đến viếng Đại tướng. Bà ngồi lặng lẽ, trầm ngâm, nhìn dòng người vào viếng Đại tướng.


Bên trong nhà tang lễ, ông Đỗ Hạp, học sinh khoá 1 (năm 1946), trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, ngồi chờ đồng đội đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cứ lặng thinh, chẳng nói gì, chưa vào viếng mà đã rơi lệ.


Mảnh ghép ý nghĩa


Bên trong nhà tang lễ, ngoài những người đến viếng, người làm nhiệm vụ hướng dẫn, giữ gìn an ninh trật tự thì những người phục vụ cứ âm thầm làm việc. Nước liên tục được mang đến để người đến viếng chờ tới lượt uống. Lá cây, vỏ chai liên tục được lượm để vào thùng. Chị Hoa, cán bộ bộ phận hậu cầu chăm chỉ làm việc từ 5 giờ sáng. Chị được phục vụ phía bên ngoài, chỗ khách chờ đến viếng. Tay thì chắt nước vào chai, miệng thì tâm sự: “Sáng nay, có người đến viếng mặc váy ngắn lắm, nhìn phản cảm. Đây là quốc tang, truyền hình ra cả thế giới, họ mặc thế làm chúng tôi ngượng thay. Buồn cười lắm, có người cứ đi lăng xăng trong khu vực chờ này, chẳng dám ra ngoài vì không có thẻ, không vào được. Họ nói chuyện to, cười hô hố, thấy chúng tôi nhìn, họ tự bịt miệng lại...”


Chuyện khác, chúng tôi được chứng kiến ở khu vực chờ vào viếng Đại tướng: Có cá nhân, đoàn thể, doanh nghiệp, chẳng hiểu lý do gì vẫn mang phong bì đến viếng. Khi đến bàn đăng ký, họ bị ban Tổ chức lễ tang nhắc nhở, yêu cầu cất phong bì đi. Nhiều người còn nhìn cán bộ làm nhiệm vụ với ánh mắt khác lạ. Song, cán bộ phải giải thích lại rằng, theo thông báo của gia đình Đại tướng, gia đình nhận tình cảm của đồng chí, đồng bào đến viếng, không nhận phong bì. Nói đến chuyện phong bì, chúng tôi nhớ lại, một người thân với con của Đại tướng cho biết: Số lượng người đến tưởng niệm tại 30 Hoàng Diệu rất nhiều. Họ mang hoa, phong bì... Hoa thì gia đình nhận, phong bì đại diện gia đình, cán bộ của văn phòng trả lại, yêu cầu người đến tưởng niệm nhận lại.


Buổi trưa, giờ giải lao, cánh phóng viên được vào bếp của ban tang lễ ăn trưa. Và, PV may mắn ngồi ăn cùng mâm với con trai, cháu đích tôn của Đại tướng. Chuyện xung quanh bàn ăn, chúng tôi nghe được rằng, nhiều người trân trọng, quý mến Đại tướng lắm. Họ xếp hàng vào 30 Hoàng Diệu tưởng niệm Đại tướng trong nhiều lần của các ngày. Vừa tưởng niệm xong, họ quay ra, xếp hàng, đến lượt, lại vào tưởng niệm tiếp. Thế nhưng, có cá nhân thì cũng buồn cười lắm. Chẳng hiểu họ nghĩ gì và mục đích của họ là sao nữa. Họ cứ ở lỳ trong nhà, ôm bàn thờ Đại tướng, chẳng chịu ra về, cũng không nói, không khóc. Vì nhiều lý do, cảnh vệ và công an đã để cho thanh niên tình nguyện gặp, khuyên nhủ. Vài tiếng sau, người này tự động ra về.


Cựu chiến binh hơn 80 tuổi ở Thanh Hoá, trong đoàn cựu chiến binh vào viếng Đại tướng, nước mắt ông nhoè trên khuôn mặt. Ông bảo: “Tôi đã ra Hà Nội 3 hôm trước để chờ đến ngày được vào viếng cùng hội Cựu chiến binh Việt Nam. Bình thường, ở nhà, con và cháu phải chăm sóc. Từ hôm ra Hà Nội chờ viếng Đại tướng, tôi thấy người khoẻ ra, tự làm được mọi việc cá nhân khi không có con cháu bên cạnh...”


Ba em học sinh trường dân tộc nội trú đến từ tỉnh Yên Bái, vào viếng Đại tướng trong thành phần đoàn viếng của tỉnh. Trông nhí nhảnh là thế, hỏi ra, mới biết, các em cũng rất chịu khó tìm tư liệu về Đại tướng. “Biết tin Đại tướng từ trần trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng em tìm sách viết về Đại tướng để đọc, ngoài những bài học trong sách sử về chiến dịch Điện Biên Phủ”, một học sinh cho biết.








Người thứ hai gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc

Vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà sử học Dương Trung Quốc rất kiệm lời. Ông lảng tránh báo chí. Qua một người quen ở ban tổ chức tang lễ, chúng tôi tranh thủ trò chuyện với ông. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Đại tướng là người thứ hai, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo lên sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Tất cả những việc Đại tướng đã thực hiện đều noi theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, và tiếng gọi của Đảng, của dân tộc Việt Nam anh hùng”.



NPV





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://www.nguoiduatin.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-an-nghi-ngan-thu-nguoi-ra-di-doan-ket-va-nghia-tinh-o-lai-a108828.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét