Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Kết cục bi thảm của những 'cô hồn' rừng thẳm


Giấc mơ màu máu


Những đứa trẻ An Phú thường biết làm đá trước khi biết đến trường, biết

phân biệt các loại đá trước khi biết nhận mặt chữ. Tuy việc khai thác ngày càng khó khăn nhưng người ta chưa bao giờ thôi hy vọng, thôi tìm kiếm những vận may phía sau những lớp đất đá xù xì, thô cứng.


Tuy được coi là thủ phủ đá quý của đất Lục Yên mà theo cách nói dân dã là "ngồi trên đống của" nhưng An Phú vẫn là một xã miền núi đặc biệt khó khăn. So với trước khi biết đến đá quý, cuộc sống của người dân ở đây có chút khởi sắc nhưng về bản chất không khác nhau là mấy bởi vận may chỉ ghé thăm một số người. Điều khác biệt lớn nhất là họ có thêm một nghề để "đổ mồ hôi sôi nước mắt" trong những ngày vắt kiệt sức mình mưu sinh.


Phần lớn dân chúng ở An Phú đều là người Tày, cuộc sống vô cùng nghèo khó. Vì vậy, khi biết giá trị của đá quý ai cũng nhen nhúm cho mình những giấc mộng lớn về những viên ruby rạng ngời sắc đỏ, màu đỏ của máu, của đam mê, nhiệt huyết, của quyền lực tối cao, của tận cùng khát vọng.



Mỏ đá gốc (phần màu trắng) nhìn từ chân núi.


Từ đó, họ không ngừng tìm kiếm trong các hầm mỏ nhưng có một sự thật là với những người đã chạm đến giấc mơ thì giấc mơ của họ dường như mỗi lúc một thêm bé lại. Càng bé lại, họ càng muốn làm cho nó to ra, lấp lánh hơn. Tìm được một, họ lại muốn gấp đôi. Được gấp đôi, họ lại muốn gấp mười và nhiều hơn nữa. Còn với những người đi mãi, tìm mãi không thấy được giấc mơ thì giấc mơ của họ lại có vẻ như lớn thêm ra mỗi ngày. Càng lớn, chúng càng trở nên mơ hồ, hư ảo.


Chúng tôi đến mỏ Bãi Chuối khi những người làm đá vừa sàng xong mẻ đất cuối cùng. Ráng chiều đỏ rực phản chiếu vào những giọt mồ hôi trong suốt khiến chúng cũng sáng đỏ lên như máu. Chúng tôi hỏi bằng tiếng Tày: "Hôm nay có được gì không?". Đáp lại câu hỏi ấy là những cái lắc đầu dường như đã trở nên quen thuộc. Sau khi trao đổi với nhau bằng một tràng tiếng Tày, họ dẫn chúng tôi lên lán uống nước và bắt đầu trò chuyện bằng tiếng phổ thông để tôi có thể hiểu. Qua đó, tôi được biết Bãi Chuối là một trong những mỏ đá quý lớn ở An Phú nói riêng, Lục Yên nói chung. Dân làm đá từng kiếm tiền tỷ bằng cách vét cạn nơi này để hôm nay những người đến sau vẫn tiếp tục kiếm tìm những gì còn sót lại trong cuộc "càn quét" năm xưa. Những gì họ kiếm được thường chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày nên giấc mơ vẫn mãi là giấc mơ.


Trên mỏ hiện có khoảng 4 - 5 nhóm đang hoạt động. Mỗi nhóm có từ 5 - 7 người, ăn ngủ trong các lán trại tạm bợ được dựng qua loa bằng tre nứa. Tùy thời tiết, hoàn cảnh và hiệu quả công việc mà họ sáng đi tối về hoặc ở lại lán từ vài ngày đến 1 tuần, thậm chí 1 tháng. Trong lúc chúng tôi ngồi uống trà, thủng thẳng chuyện vãn thì thành viên trẻ nhất trong nhóm tên Bân lôi ra từ trong bọc một miếng thịt ba chỉ lớn mới nhờ người mua hộ để chuẩn bị thức ăn cho ngày hôm sau. Bân sinh năm 1995 trong một gia đình nông dân nghèo khó, bố mẹ bệnh tật triền miên, các em nheo nhóc. Vì vậy cậu phải đi làm đá từ nhỏ, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cũng như bao người làm đá khác, Bân cũng nuôi giấc mơ mang tên đá đỏ và luôn tin tưởng một ngày nào đó, đất mẹ sẽ yêu thương trao tặng cho mình những giọt máu của người. Đó chính là những viên ruby rực rỡ sẽ giúp Bân thay đổi cuộc đời.



Thịt ba chỉ, món ăn ưa thích của các phu mỏ.


Rẻ rúng phận người








Sự mưu sinh át nỗi sợ hãi

Có lẽ, những người phu mỏ này thường xuyên phải trở về nhà với những bàn tay rướm máu vì đục đẽo triền miên và những bàn chân phồng rộp vì leo trèo liên tục. Nhưng những bàn tay rướm máu, những đôi chân phồng rộp ấy có là gì so với công cuộc kiếm tiền đầy khó khăn mà họ không thể không làm để lo cho mình, cho gia đình một cuộc sống đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn. Và những đứa trẻ kia, có thể vì một phút bất cẩn nào đấy mà vĩnh viễn chôn vùi cuộc sống mới bắt đầu của mình trong đá núi vô tình nhưng có lẽ chẳng ai trong số chúng muốn nghĩ đến điều đó bởi đôi khi, việc mưu sinh lớn hơn nỗi sợ rất nhiều.



Ở Lục Yên, người ta chẳng còn xa lạ gì với hình ảnh những đứa trẻ tầm 8, 9 tuổi, bé loắt choắt, còi dí còi dị làm việc như người lớn trên các mỏ đá. Chúng còng lưng ôm những chiếc sàng đựng đầy đất cát, to gấp đôi, gấp ba thân hình nhỏ bé của mình, cần mẫn những vòng quay đều đặn, chăm chú nhặt nhạnh những gì có thể có giá trị dù không nhiều nhặn. Có lẽ vì những chiếc sàng quá to, quá nặng so với sức của chúng, những đứa trẻ này phải quay cả thân mình mới có thể làm được việc ấy. Và vì thế, người ngoài nhìn vào dễ có cảm giác là chính những chiếc sàng nặng nề kia đang điều khiển chúng chứ không phải chúng điều khiển những chiếc sàng.


Đâu đó, trên những mỏ đá gốc cheo leo giữa lưng chừng núi, thay vì gồng mình cho vòng quay của những chiếc sàng, nhiều đứa trẻ cùng độ tuổi ấy cũng đang còng lưng gùi từng gùi đá nặng gấp mấy lần so với cân nặng của chúng. Có lẽ vì thế mà tôi nhận thấy những đứa trẻ nơi đây tuy người rất bé nhưng bàn chân của chúng thường rất to, với những ngón dài, xương xẩu như những bộ rễ cây bám chặt vào đá núi. Quãng đường mà chúng phải đi có thể là 3 hoặc 4km nhưng những nguy hiểm rình rập trên con đường chúng đi không thể nào tính được. Mỗi cân đá chúng gùi từ mỏ xuống đến chân núi được tính với giá 2 nghìn đồng. Mỗi chuyến, mỗi đứa trẻ trong số ấy có thể gùi được hơn chục cân đá. Như vậy, mỗi lần đi lên đi xuống, chúng có thể kiếm được trên dưới hai chục nghìn đồng, cái giá có lẽ quá rẻ rúng so với một phận người. Dù có là người sắt đá đến mấy chăng nữa, nếu phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng này chắc cũng khó tránh được cảm giác xót xa, ngậm ngùi ám ảnh về những mảnh đời bé nhỏ không biết sẽ về đâu giữa muôn trùng gian khó.


Anh Hoàng Văn Khu, một người làm đá gốc tâm sự, đã làm đá được hơn chục năm nhưng tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Đội của anh gồm 6 anh em trong nhà, ngày nào cũng lên mỏ làm việc quần quật từ sáng đến tối, thậm chí những ngày thấy hy vọng, họ còn chong đèn đục đẽo cả đêm nhưng kiếm được chẳng đáng là bao. Thỉnh thoảng, đội anh cũng tìm được ít hàng đẹp, trị giá hơn chục triệu nhưng phải chia cho 6 người, trừ đi các khoản chi phí, mỗi người trong số họ tính ra cũng chỉ được chút tiền công ít ỏi thêm vào thu nhập của gia đình. Việc làm đá gốc vất vả và nguy hiểm hơn làm đá quý bởi thay vì đào hầm trong lòng đất, các phu mỏ phải khoan sâu vào những khối đá tưởng như bất khả xâm phạm. So với các loại đá quý tìm được trong đất, đá gốc cũng có giá trị thấp hơn rất nhiều lần bởi đá gốc chỉ là một dạng khoáng thô, giá trị sử dụng thấp, chủ yếu được sử dụng làm đá phong thủy hoặc trang trí nội thất. Bù lại, đá gốc thường dễ kiếm hơn nên người làm đá gốc có thể duy trì một mức thu nhập tuy ít ỏi nhưng đều đặn hơn để cân bằng những khoản chi tiêu trong cuộc sống. Điều đặc biệt những người dân ở đây thực hiện công việc này hoàn toàn thủ công bằng búa, rìu, đục để làm cái công việc phá đá làm giàu ấy.


Dương Dung





Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://www.nguoiduatin.vn/ket-cuc-bi-tham-cua-nhung-co-hon-rung-tham-a101146.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét