Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Nơi sám hối của những bà mẹ chối bỏ hài nhi


Đã 3 - 4 năm nay, cứ đến Rằm tháng 8 là có hàng ngàn bà mẹ từ khắp nơi đổ về tham dự lễ cầu siêu cho linh hồn của những đứa con vô tội. Biết được chùa tổ chức lễ này, nhiều bà mẹ ở những nơi rất xa (Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh, Cà Mau...), cũng lặn lội về đây cầu siêu cho con mình.


Trong số đó, có người còn rất trẻ. Họ ăn năn, hối hận về việc bỏ rơi những đứa con của mình. Cũng có người bà lặng lẽ cầu siêu cho các đứa cháu chưa kịp thành hình, kết quả tình yêu chưa kịp chín của con mình.












Bức tượng hài nhi nô đùa dưới chân Đức Phật ở trong chùa Từ Quang - nơi có hàng ngàn bà mẹ về cầu siêu cho những đứa con bị chối bỏ.



Anh Minh, một Phật tử làm công quả trong chùa, cho biết khoảng đầu năm 2009, có một Phật tử đêm nào cũng nằm mơ nghe thấy tiếng khóc của nhóm hài nhi đói khát, xin ăn. Phật tử này kể lại cho thầy trụ trì Thích Giác Thiện. Thầy suy ngẫm về điều Phật tử mơ là có nguyên do, bởi xung quanh chùa là các khu công nghiệp. Hàng năm có rất nhiều nữ công nhân phá thai, bỏ rơi hài nhi vô thừa nhận, không được cúng viếng, nên mới có những linh hồn trẻ thơ phiêu dạt về cổng chùa.


Ban đầu, trụ trì Thích Giác Thiện lập đàn cầu siêu cho những oan hồn thai nhi lưu lạc. Rồi người dân ở khu vực xung quanh truyền tai đến xin thầy cầu siêu cho những đứa con thiếu may mắn của họ. Từ đó đến nay, mỗi ngày chùa tiếp đón 30 - 40 người đến dâng lễ, sám hối. Những ngày rằm, nhất là rằm tháng Tám, con số ấy phải lên đến hàng trăm, hàng nghìn người.


Bà nội đi cầu siêu cho cháu chưa định hình


Là một Phật tử làm công quả trong chùa lâu năm, anh Minh có cơ hội tiếp xúc với những Phật tử mọi miền về đây xin cầu siêu cho linh hồn con, cháu của họ.


Anh kể, có một bà mẹ tên Thơm hơn 60 tuổi, lặn lội từ Cẩm Phả (Quảng Ninh) vào đây xin cầu siêu cho thai nhi là giọt máu của con trai bà bỏ rơi từ những cuộc tình bồng bột thời trai trẻ. Bà kể, con trai năm nay 35 tuổi, đã lập gia đình 5 năm, chạy chữa khắp nơi mà chưa có con. Ông bà khao khát có đứa cháu để nối dõi mà mòn mỏi chờ đợi hết năm này sang năm khác mà vẫn chưa có tin vui.


Từ ngày biết chùa tổ chức đại lễ cầu siêu, năm nào bà cũng về đây dự lễ. Bà mua sắm rất nhiều sữa, quần áo, đồ chơi, giầy dép,… làm quà dành cho các cháu nội không may mắn được làm người.


Bà kể cách đây gần chục năm, con trai đi công tác, bà lên phòng con để quét dọn, thì vô tình phát hiện những tờ giấy ký cam kết phá thai. Trong mỗi tờ giấy có ghi tên của các cô gái khác nhau mà tên cha đứa bé là con trai bà. Bà hoảng hồn khi con trai làm điều ác, là nguyên nhân tạo nên những hình hài con người nhưng lại không cho chúng được cất tiếng khóc chào đời.


"Trong những năm giúp việc trong chùa, tôi có gặp những thanh niên còn rất trẻ, vào chùa để thắp hương cúng khấn giống như các cô gái trẻ, nhưng họ không bao giờ để lộ cảm xúc", anh Minh kể.


Mới đây, anh nhận được nhiều email của một cô gái trẻ, hỏi về cách thức làm lễ cầu siêu cho thai nhi được 8 tuần tuổi đang tượng hình trong bụng. Cô cho biết mình đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học tại TP.HCM.


Cô có người yêu là một anh chàng công tử giàu có. Khi biết được hoàn cảnh gia đình không tương xứng thì mẹ anh nhất quyết không đồng ý. Ngay cả khi biết cô đang mang trong mình giọt máu của con trai, bà cũng hắt hủi bắt phá thai. Bà một mực bắt cô phải bỏ cái thai.


Cô thương con, nhưng cũng không dám giữ cái thai vì không biết rồi mai này sẽ ra sao khi chưa có việc làm. Băn khoăn không biết phá bỏ hay giữ đứa bé, cô gửi email về chùa để hỏi. Nếu bỏ đứa con đang tượng hình ở trong bụng đi thì cô phải làm lễ cầu siêu cho con mình như thế nào để oan hồn không oán trách, giày vò lương tâm cô.


Theo Infonet





Tin tức xã hội online

via Tin tức Online - Xã hội - RSS Feed

http://tintuconline.com.vn/vn/phongsukisu/20130705110810355/noi-sam-hoi-cua-nhung-ba-me-choi-bo-hai-nhi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét