Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Người đồng tính sẽ được cưới nhau?


Ngày 16/4, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 13 năm thi hành Luật Hôn nhân - Gia đình (HN-GĐ) năm 2000. Hàng loạt bất cập liên quan đến độ tuổi kết hôn, mang thai hộ, kết hôn giữa người cùng giới tính, thỏa thuận về tài sản trước hôn nhân, chế độ cấp dưỡng cho con cái sau ly hôn… sẽ được đưa ra bàn thảo để sửa đổi trong luật mới.


Cho phép mang thai hộ


Theo Bộ Tư pháp, thực tiễn cuộc sống cho thấy rất nhiều cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ người mang thai hộ nhưng Luật HN-GĐ năm 2000 chưa quy định cụ thể, còn Nghị định 12/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học lại nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính. Việc nghiêm cấm đã hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh. Trong nhiều gia đình, em gái muốn mang thai hộ chị gái và được gia đình ủng hộ nhưng pháp luật lại nghiêm cấm...


Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Văn Cừ (Trường ĐH Luật Hà Nội), thành viên ban soạn thảo, cho biết luật mới sẽ có hẳn một chương quy định về vấn đề mang thai hộ, trong đó cho phép chị em gái, người thân trong gia đình được mang thai hộ cho nhau.


 - 1


Tư vấn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn tại Bệnh viện Nam học Hà Nội. Ảnh: NGỌC DUNG


Đi kèm với quy định nhân đạo đó sẽ có hàng rào pháp lý để bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ… “Cho phép mang thai hộ chứ không phải “đẻ thuê” nên chắc chắn sẽ có quy định chặt chẽ nhằm chống việc thương mại hóa chuyện này” - TS Cừ khẳng định.


Còn kỳ thị người đồng tính


Một nội dung quan trọng trong lần sửa đổi Luật HN-GĐ lần này là việc bỏ quy định “cấm kết hôn” giữa những người cùng giới tính. Theo ban soạn thảo, vấn đề kết hôn của những người đồng tính và việc thực hiện, bảo vệ các quyền con người của họ đã và đang là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam.


Thời gian qua, nhiều người đồng tính đã bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bạo lực gia đình nhưng pháp luật Việt Nam nói chung và Luật HN-GĐ nói riêng chưa có quy định rõ ràng về bảo vệ quyền của họ. Thậm chí, nhiều địa phương đã xử phạt những người đồng tính tổ chức đám cưới.


“Trong lần sửa đổi này, chúng tôi sẽ bỏ chữ “cấm” để thay vào đó bằng từ ngữ nhẹ nhàng hơn là “không công nhận quan hệ vợ chồng của những người cùng giới tính”. Như vậy, những người đồng tính có thể tổ chức đám cưới rồi chung sống nhưng chưa được đăng ký kết hôn” - ông Cừ nói.


Theo ông Cừ, đi liền với đó là những quy định để giải quyết hậu quả pháp lý về tài sản, con nuôi… của những cặp đôi cùng giới tính nếu sau đó mỗi người một ngả.









Còn tranh luận về độ tuổi kết hôn


Liên quan đến vấn đề độ tuổi kết hôn, TS Nguyễn Văn Cừ cho biết vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. Bên cạnh quan điểm nên giữ nguyên độ tuổi kết hôn như hiện nay (nữ đủ 18 tuổi, nam đủ 20 tuổi), có không ít ý kiến cho rằng nên quy định “nam, nữ đủ 18 tuổi”; ở những vùng dân tộc, miền núi thì được dựa vào phong tục tập quán để cho phép kết hôn từ 15 - 17 tuổi.


“Kết luận cuối cùng về độ tuổi kết hôn sẽ thuộc về Quốc hội. Tuy nhiên, pháp luật phải mang tính thống nhất trên cả nước. Nếu thực tế ở một số vùng miền vì phong tục tập quán mà xảy ra tình trạng tảo hôn, vi phạm thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ có văn bản hướng dẫn để xử lý phù hợp, nhân văn” - TS Cừ giải thích.


Lập hôn ước trước khi kết hôn


Luật HN-GĐ hiện hành đã ghi nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng. Tuy nhiên hiện nay, việc chứng minh đâu là tài sản riêng gặp rất nhiều khó khăn nếu hai bên không có thỏa thuận trước hoặc không có các chứng cứ, tài liệu để chứng minh.


Qua thực tiễn tổng kết thi hành Luật HN-GĐ năm 2000, Bộ Tư pháp thấy rằng việc lập hôn ước trước hôn nhân là cách ứng xử công bằng và tiến bộ, giúp kế hoạch dự trù tài sản riêng hay tài sản chung trong hôn nhân và giảm thiểu xung đột, tiết kiệm được án phí tranh tụng trong trường hợp ly hôn.






Xã hội người đưa tin

via www.nguoiduatin.vn

http://www.nguoiduatin.vn/nguoi-dong-tinh-se-duoc-cuoi-nhau-a76122.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét