Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Hà Nội đối phó nguy cơ lây cúm chết người


Cúm A/H7N9 nguy hiểm hơn nhiều cúm A/H1N1


Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm A có hai kháng nguyên H (H1-H15) và N (N1-N9), tùy theo sự phối hợp này mà tạo nên những chủng cúm khác nhau. Chủng cúm H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc gần đây là lần đầu tiên gây bệnh trên người. Bệnh diễn biến giống cúm gia cầm H5N1, viêm phổi diễn biến rất nhanh trong vòng 24 giờ đầu, tổn thương phổi nặng, vào viện đều trong tình trạng cấp cứu, khó thở, tim và thận ít bị tổn thương. Ngoài ra có bằng chứng tiêu cơ, tăng men gan.


Theo ghi nhận các trường hợp mắc virus cúm A/H7N9 ở Trung Quốc, độc lực của cúm này rất ghê gớm, 14 ca mắc thì có 6 trường hợp tử vong, còn lại trong tình trạng nguy kịch, việc điều trị khó khăn.


TS Nguyễn Đắc Phu, Cục phó Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: "Với tỷ lệ chết cao, cúm A/H1N1 từng được cảnh báo ở mức đại dịch nhưng không nguy hiểm bằng chủng cúm này. Diễn biến dịch cúm A/H7N9 trên Trung Quốc là tình trạng phức tạp, số ca mắc tăng lên hằng ngày, rải rác không phải một cụm, một tỉnh. Nguy hiểm hơn, các virus cúm nếu có chuyển biến gene, tích hợp gene, bệnh nhẹ có thể chuyển thành nặng và phát triển thành đại dịch".


 - 1


Các chuyên gia Bộ Y tế kiểm tra công tác kiểm dịch y tế phòng cúm A/H7N9 tại sân bay Nội Bài (Ảnh Mai Hương)


Hiện nay, cúm A/H7N9 chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 vẫn là thuốc điều trị cúm như Tamiflu và Zanamivir – dạng xịt, khí dung và siro.









5 khuyến cáo phòng dịch cúm A/H7N9 tại cộng đồng


Người dân càn thực hiện tốt hành vi cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng.


Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc.


Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.


Người trở về từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để theo dõi sức khỏe.Khi có cac biểu hiện cúm như ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám, điều trị kịp thời.



Hà Nội kiểm soát chặt người nhập khẩu


Lo ngại lớn rất theo các chuyên gia hiện nay Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế Trung Quốc và các nước vẫn chưa xác định được chính xác nguồn lây của cúm A/H7N9, có thể lây bệnh từ gia cầm, chim hoặc lợn.


TS Nguyễn Văn Kính cho biết, các bác sĩ Trung Quốc trả lời chưa có bằng chứng lây truyền rõ ràng, một số ý kiến của người mắc cho biết có tiếp xúc với gia cầm hoặc lợn. Trong khi về bản chất virus H7N9 cư trú trên động vật có vú, một phần trên chim nhưng không loại trừ từ chim lấy sang gia cầm.


TS Nguyễn Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đang tăng lên từng ngày, các ca bệnh rải rác ở nhiều địa phương nên đặt ra nhiều lo ngại như bệnh đã ủ ở Trung Quốc lâu chưa. TS Phu nhấn mạnh, tính phức tạp của dịch bệnh này là rất lớn, tỷ lệ tử vong cao, Trung Quốc lại gần Việt Nam, việc xâm nhập gia cầm, thủy cầm từ Trung Quốc sang Việt Nam là rất lớn và việc xuất nhập cảnh nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.


Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Trung Quốc là một nước nằm ngay cạnh Việt Nam, việc lưu thông, đi lại giữa 2 nước qua đường bộ và hàng không rất thuận lợi nên nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn.


Do đó ông Cảm cho biết Hà Nội sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt nam, kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo nhiệt độ từ xa cho tất cả hành khách. Khi phát hiện nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp cấp hành khách đó sẽ được khám sàng lọc, cách ly nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus, đặc biệt đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết.


Đối với cúm A/H7N9 trước mắt Trung Tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ lấy mẫu giống như cúm A/H5N1, sau khi lấy mẫu bệnh phẩm và bảo quản đúng yêu cầu sẽ chuyển thẳng đến labo xét nghiệm đạt chuẩn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm.


Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện trên toàn Hà Nội phải đẩy mạnh công tác phát hiện sớm ca bệnh bởi đây là nơi đầu tiên bệnh nhân đến. Nếu không kết hợp tốt giữa y tế dự phòng và điều trị thì rất khó phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị hiệu quả. “Hà Nội sẽ chuẩn bị tất cả phương tiện máy móc, trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, điều kiện cơ sở vật chất đúng như đối phó với dịch bệnh tối nguy hiểm”, TS Cảm cho biết.


Theo Khampha





Tin tức xã hội online

via Tin tức Online - Xã hội - RSS Feed

http://tintuconline.com.vn/vn/thuongnhat/20130406073913561/ha-noi-doi-pho-nguy-co-lay-cum-chet-nguoi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét